Ảnh

Ảnh

Thứ Năm, 20 tháng 9, 2012

Tóm lược sử thi Mahabharata



Tác giả  : Nguyễn Quỳnh 

Lời nói đầu:

Văn-hóa cổ Ấn-độ có hai tập Anh-hùng ca; Mahàbhàrata và Ràmàyana. Tập Mahàbhàrata, khi đọc nhấn mạnh vào âm thứ ba (bhà), là nguồn-gốc của Chí-Tôn Ca. Câu-chuyện được truyền-tụng trong nhân-gian bắt đầu khoảng 1400 trước Công-Nguyên. Nhưng Mahàbhàrata chỉ được san-định thành sách giữa khoảng từ 200 năm trước Công-Nguyên và 200 năm sau sau Công-Nguyên. Toàn-tâp khoảng 5800 trang, dài bằng cả hai tập Iliad và Odysey của Homer cộng lại, và dài gần gấp ba lần cuốn Thánh-kinh Thiên-chúa-Do-thái-giáo. Vì quan-niệm về thời-gian của người Ấn khá đặc biệt, nên thiên anh hùng ca này không trình bày theo thứ tự lịch-sử, mà theo tầm quan-trọng của vấn-đề. Bởi vậy nó có vẻ lung-tung, khiến mỗi học-giả viết toát-yếu Mahàbhàrata phải rất cẩn-thận để giúp độc-giả dễ-dàng theo dõi. Tôi đã đọc lại bản-tóm-lược Mahàbhàrata của tôi cho Chí-Tôn Ca xuất bản ở Sàigòn năm 1972, và gần đây so-sánh với các bản tóm-tắt của các học-gỉa khác, để viết ra một bản tóm-lược mới, xếp đặt theo í tôi, mà tôi rất hài lòng vì không có một bản tóm-lược nào có cái khung rõ ràng như thế, ngay cả bản rút ngắn (412 trang) của William Buck (1973 và 1997). Những đoạn có ghi dấu ngôi sao (*) là phẩn tôi dịch thẳng từ nguyên bản để độc-gỉa thấy cách miêu tả của người Ấn

 1. ĐẠI-TỘC BHÀRATA
Vua Dushyanta kết-duyên cùng thôn-nữ Shakuntala, con nuôi của hiền-giả Kanwa. Nhưng sự-thực nàng là con gái của tiên-nữ Menaka và hiền-giả Viswa. Nàng Shakuntala hạ-sinh được một hoàng-tử đặt tên là Bhàrata. Đại-tộc Bhàrata bắt đầu từ đó.
Vua Bhàrata truyền ngôi cho cháu là Shamtanu. Vua Shamtanau kết-duyên cùng Thần-nữ sông Hằng. Bảy hài-nhi đầu của Hoàng-hậu sinh ra đều là bảy vị thánh-nhân nên đều được Hoàng-hậu bí-mặt thả xuống sông Hằng giải-thoát. Chỉ riêng người con thứ tám là Hoàng-tử Shantavana (Bhìsma) được ở lại triều-đình.

2. BHÌSMA VÀ AMBÀ
Nữ-thần sông Hằng ra đi, vua Shantanau kết-duyên với mĩ-nhân Shatyavati, con nuôi của một ông lão đánh-cá. Trước đó Shatyavati đã có với một pháp-sư Bà La Môn một người con là hiền-giả Vyàsa, tương-truyền là tác-giả Chí-Tôn Ca. Điều-kiện để kết-hôn với với mĩ-nhân Shatyavati rất khắt khe: vua Shantanau phải lập con trai nàng làm Đông-cung Thái-tử thay vì Hoàng-tử Shantavana. Để giúp vua cha mãn-nguyện với nàng Shatyavati, Hoàng-tử Shantavana tự từ bỏ ngôi-vị Đông-cung Thái-tử và hứa suốt đời sống độc-thân để tránh chuyện con cháu tranh ngôi sau này. Vì đức-hạnh của Shantavana cao-quí như thế nên người đời gọi chàng là Bhisma, tức là “người đã thực-hiện được lời thề khó.”

Hoàng-hậu Shatyavati sinh được hai con là Hoàng-tử Chitrangada và Vichitravìrya. Chitrangada chẳng may tử-trận, Vichitravìrya lên kế-vi vua cha, Bhìsma làm nhiếp-chính. Trong một cuộc tỉ-thí võ-nghệ theo truyến-thống, vua Sàlva của xứ Sàubha được nàng Ambà yêu-thương, nhưng khi đụng đầu với Bhìsma ông bị thua nhưng Bhìsma tha không giết, mà chỉ chọn nàng Ambà như một chiến-công theo truyền-thống gọi là Svayamvara (chọn cho mình). Bhìsma mang nàng vế kinh-đô Hàstinapura dâng cho em cùng cha khác mẹ Vichitravìya. Ambà từ chối với lí do nàng chỉ yêu Sàlva. Do đó, Bhìsma phải đưa Ambà về Sàlva. Song le, Sàlva cảm thấy nhục vì thua Bhìsma, nên ông không nhận Ambà, và gửi nàng lại cho Bhìsma vì ông nghĩ Bhìsma xứng đáng được nàng trong một trận đánh danh-dự. Điều này làm nàng Ambà thất-vọng. Nhưng khi trở lại Hàstinapura thì tình-thế càng trở nên bi-đát hơn vì Vichitravìya không chịu lấy nàng với lí do tim nàng đã để cho người khác. Ambà xin Bhìsma cưới nàng, nhưng Bhìsma từ chối vì chàng đã hứa sống độc-thân. Ambà uất-hận cho rằng mọi bất-hạnh xảy ra cho nàng chỉ vì Bhìsma. Nàng lại trở về với Sàlva, nhưng một nữa lại bị Sàlva từ chối. Ambà trở lại triều-đình Hàstinapura và tìm hiệp-sĩ sẵn-sàng vì mình hạ-thủ Bhìsma. Nhưng không hiệp-sĩ nào dám nhận lời, một phần vì họ kính-trọng Bhìsma, và cũng một phần họ sợ Bhìsma.

Ambà tu-hành khắc-khổ cốt để mong Thần Vishnu giúp-đỡ. Thần Vishnu trao cho Ambà một vòng hoa và bảo rằng nếu ai đeo vòng hoa đó, người ấy sẽ trở thành kẻ thù của Bhìsma. Ambà đến xứ Pàncàlas dâng vòng hoa cho vua Drupada. Nhưng Drupada, dầu là một hổ-tướng, từ chối giao-chiến với Bhìsma. Cuối cùng, nghe theo lời khuyên của một vài ẩn-sĩ, Ambà tìm đến Parasuràma. Parasuràma là một nhà tu Bà La Môn nồi-tiếng, tinh-thông võ-nghệ, và cũng là người thề sẽ tận-diệt giai-cấp võ-sĩ đạo. Parasuràma trở thành Thiên-sứ (Avatàr) của Vishnu và đã từng thực-hiện nhiều trai-giới dâng lên cho vị thần này. Parasuràma nhận lời giúp Ambà. Nhưng khi giao-đấu, Parasuràma bị Bhìsma hạ. Thế là Ambà tiêu-tan hi-vọng.

Ambà đến Hi-mã Lạp-sơn, khổ công tu-luyện hơn nữa để mong thấn Shiva giúp đỡ. Thần Shiva hiện ra, hứa với nàng rằng kiếp tới Ambà sẽ là một người đàn ông. Không thể chờ đợi được, Amba chụm một đống lửa lớn rồi nhẩy vào tự thiêu. Nàng trở lại kiếp người có cái tên là Sikhandin, một trong những hoàng-tử của vua Drupada, rồi trở thành một trong những chiến-tướng, sau này đối trận với Bhìsma.

3. HOÀNG-HẬU KUNTÌ VÀ MÀDRÌ
Xét về liên-hệ gia-tộc thì con trai của vua Vicitravìrya lại là con của Vyàsa có với bà Ambàkikà. Còn Pàndu lại là anh em cùng cha khác mẹ với vua Dhrtaràstra. Dhrtaràstra là con trai của Vyàsa có với bà Ambikà. Vua Dhrtaràstra sinh được một trăm con. Pàndu làm vua đóng đô ở Hàstinapura có Bhìsma là Thái-giám. Pàndu có hai vợ - bà Kuntì, con gái của vua Sùra xứ Yàdava. Sùra cũng là cha của Vasudeva, tức là cha của Krishna. Như thế Krishna phải gọi bà Kuntì là dì. Bà vợ thứ hai của vua Sùra cũng là một công-chúa. Một hôm đi săn vua Pàndu bắn một con hươu đang làm tình. Sự thực con hươu này là một hiền-gỉa biến-hình thành con hươu, có tài linh-thiêng với những kiếp sinh anh-hùng. Trước khi chết vị hiền-gỉa nguyền rằng vua Pàndu cũng sẽ chết trong khi đang chăn-gối. Do đó Pàndu không có con. Những người con trai của vua thực sự là con của hoàng-hậu có với các chư-thấn.

Hoàng-hậu Kuntì được một người em họ không con của thân-phụ bà nuôi bà khi bà còn nhỏ. Tên của bà chính là tên người cha nuôi đó, chứ tên chính-thức của bà là Prithà. Trước khi lấy chồng bà được hiền-giả Durvàsas ban phép lạ gọi là thần-chú Mantra. Phép này giúp bà có con với bất cứ thần-linh nào bà muốn. Do đó, trước khi là hoàng-hậu, bà Kunti đã có với thần mặt trời một đứa con trai tên là Karna. Karna sinh ra tai đã có khuyên và một bộ áo-giáp. Bà Kuntì cảm thấy ngượng vì sự-kiện này, nên bà thả hài nhi Karna xuống sông, may là có một chiến-sĩ lái chiến-xa tên là Adhiratha vớt được mang về nuôi làm con, để rồi lớn lên trở thành một dũng-tướng đối đầu với những anh em cùng mẹ khác cha của mình. Cũng với phép thần-chú Mantra, bà sinh ra Yudhisthira với thần Chính-pháp (Dharma), sinh ra Bhìma với thần gió Vàyu, cho nên Bhìma có sức mạnh nhổ cây làm khí-giới và ăn không biết no. Với thần Indra, vị thần chính trong kinh-ngữ Vệ-đà, bà sinh ra Arjuna, một hiệp-sĩ trong-sạch và là anh-hùng trong Chí-Tôn Ca.

Bà thứ hậu Màdrì của vua Pàndu cũng có con cái giòng tiên-thánh. Bà sinh ra Nakula và Sahadeva với hai vị thấn Asvin (anh em sinh đôi) cả hai là kị-sĩ thiên-cung điều-khiển chiến-xa vào lúc bình-minh.



4. KRISHNA
Trong khi ấy tại triều-đình của vua Sùra, thuộc hoàng-tộc Yàdava, cháu trai của ông là Krishna ra đời, với danh-nghĩa Avaràr, tức hậu-duệ của thân Vishnu. Tương truyền rằng khi Vasudeva, cha của Krishna, sinh ra có những tiếng trống trên trời vì ông là cha của các đấng hậu-duệ Vishnu.

Khi Vasudeva cưới Devakì, cháu vua Ugrasena của xứ Mathurà thì lại có vấn-đề. Số là Kamsa, người anh em họ của Devakì là một bạo-chúa xấu-xa đang cầm tù vua Ugrasena và xoán ngôi. Kamsa mưu giết tất cả con của Devakì khi mới sinh ra. Cả thẩy sáu hài nhi đã bị giết. Nhưng hài nhi thứ bẩy được Vasudeva đặt vào trong bào thai của Rohinì, một trong số những người vợ của ông. Đưá bé sinh ra tên là Balaràma, tức là anh của Krishna.

Vesudeva trao Krishna cho Nanda, một người chăn bò nuôi dùm. Do đó Krishna lớn lên giữa đám mục-đồng và những cô gái vắt sữa bò.Tuy là một đứa bé nhút nhát có tật ăn cắp sữa, bơ, và hoa-quả, nhưng Krishna cũng có thành-tích anh-dũng. Ông ta thích gần phụ-nữ, nên theo tương-truyền, Krishna có đến 16,108 bà vợ, kể cả chính-thất là Rukminì.

Trong khi ấy bạo-vương Kamsa vẫn tiếp-tục tìm cách giết Krishna và anh của Krishna là Balaràma nhưng lần nào cũng bị thua bởi chiến-thuật này hay chiến-thuật khác. Cuối cùng Kamsa mời hai anh em Krishna tới tranh-tài lực-sĩ và nhờ quỉ-vương Kesin, đầu ngựa mình thú ra đánh hộ mình. Krishna giết chết Kesin, và từ đó có ông danh-hiệu “Kesinisùdana”, tức “Người giết qủi Kesin”. Đến lượt chính Kamsa bước vào đấu-trường và bị anh của Krishna là Balaràna giết chết. Thế là vua Ugrasena được giải-thoát và trở về cai-trị vương-quốc Mathurà. Sau đó, Krishna xuống địa-ngục mang sáu người anh bị Kamsa thảm-sát trở về trần. Thế là Krishna thay tâm đổi tính.

Trước hết Krishna từ giã đám phụ-nữ vắt sữa, rồi hành-lễ tinh-khiết và nhận ra vua Vasudeva và hoàng-hậu Devakì là cha mẹ chính-thức của mình. Ông cùng với Balaràna nhận giáo-huấn tâm-linh và nghệ-thuật chiến-tranh của hiền-gỉa dũng-sĩ Sàmdìpani. Trong thời-gian này có một con thủy-quái thu mình trong vỏ ốc khổng-lồ tên là Pancajana. Thuỷ-quái này bắt cóc con trai vua Sàmdipani. Krishna xuống đáy biển giết được thủy-quái và dùng cái vỏ của nó làm chiếc tù-và đặt tên là Pàncajanya.

Vua Jaràsamdha của xứ Màgadha có mấy công-chúa gả cho Kamsa, hay tin Kamsa bị Krishna hại, đem một đạo hùng-binh đến tấn-công kinh-đô Mathurà cả thẩy mười tám lần nhưng không có kết qủa. Nhưng rồi với sự trợ giúp của vua Kàlayavana, gốc Hi-lạp cư trú ổ Ân-độ thời đó, Jaràsamdha tổng công-kích và khiến cho Krishna phải thiên đô về Dvàrakà (Kinh-đô có nhiều cửa) thuộc vùng Gujarat. Bởi thế Dvàrakà trở thành một trong mấy đô-thị linh-thiêng của Ân-độ. Những vinh-quang sau này của Krishna gồm có chiến-thắng thần Indra, Varuna và Shiva, bắt được công-chúa Gandhàra và thắng vua xứ Nisàda là người đã tấn-công kinh-đô Dvàrakà. Do những vĩ-công kể trên, Krishna được người Ấn coi như hình-ảnh lí-tưởng kết hợp giữa con người và thần-linh, và vẫn được thờ cúng cho đến ngày nay.

5. DURYODHANA
Vua Pàndu để cho người em mù loà cùng mẹ khác cha là Dhrtaràstra ở lại kinh-đô Hàstinapura tạm thời nhiếp-chính, còn ông dẫn hoàng-hậu Kuntì cùng thứ hậu Màdrì và năm hoàng tử Yudhidthira, Bhìma, Arjuna, Nakula và Sahadeva vào an-tĩnh trong rừng. Ông băng hà khi đang ân-ái với bà Màdrì, i như lời nguyền của hiền-gỉa chết oan trước kia. Thứ hậu Màdrì tình-nguyện lên dàn hoả-táng với chồng (Satì).
Các vị hiền-gỉa tu trong rừng đưa hoàng-hậu Kuntì và các con về Hàstinapura ân cần nhờ lão-tướng Bhìsma trông nom. Cái chết của Pàndu khiến cho Dhrtaràstra chính thức lên làm vua. Thế là anh em Pàndava và một trăm con của vua Dhrtaràstra, thường gọi là anh em Kàurava, cùng lớn lên với nhau tại triều-đình. Tổ-phụ và cũng là lão-tướng Bhìsma là người to lớn dị thường và có tính đùa qúa trớn với các cháu. Ông thường ấn đầu mấy cháu Kàurava xuống nước cho đến khi chúng gần ngạt mới lôi ra. Khi thấy chúng ở trên cây, ông rung cây cho chúng ngã xuống như sung rụng. Chính vì thế nên anh em Kàurava ghét ông, đặc biệt là người anh cả Duryodhana có hỗn-danh là “kẻ chơi xấu”. Duryodhana cũng ghét người anh em họ Yudhisthira, chỉ vì trong tương lai Yudhisthira sẽ lên làm vua. Để loại trừ hậu hoạn, Duryodhana bỏ thuốc độc vào thức ăn của Bhìma rồi ném Bhìma xuống sông. Duryodhana cũng tìm cách bỏ tù Arjuna và Yudhisthira. Nhưng âm-mưu của Duryodhana không thành vì thuốc độc chỉ càng làm tăng sức mạnh của Bhìma. Dầu sao các lão-tướng như Krpa, Drona và Bhìsma cùng tận-tâm dạy võ-nghệ cho cả hai nhóm anh em Pàndu và Kàurava. Vì thế sau này Arjuna trở nên người có võ-nghệ cao cường nhất, còn Bhìma là người có sức mạnh kinh-hồn nhất.

5. KARNA
Chúng ta còn nhớ hoàng-hậu Kuntì trước kia có với thần mặt trời một người con trai là Karna. Nhờ một dũng-sĩ điều khiển chiến-xa có tâm-thức nhu-hoà mang về nuôi nấng cho nên Karna cũng có mặt ở kinh-đô Hàstinapura và cũng được học võ với hai nhóm Kàurava và Pàndu. Để làm vừa lòng Duryodhana, Karna thách Arjuna tỉ-thí. Cả hai vị-thần Indra, cha của Arjuna, và thần Mặt-Trời, cha của Karna đều hiện ra trên trời để khích-lệ hai con. Nhưng khi đặt vấn-đề đẳng-cấp xã-hội theo luật giao tranh, có người hỏi có phải Karna là con của một dũng-sĩ điều-khiển chiến-xa, nôm na là “phu-xe” không thì Duryodhana vội-vàng đưa Karna lên chiến-xa và chở đi chỗ khác. Cuộc tỉ-thí vì thế bãi bỏ. Sau đó, Duryodhana cũng lấy quyền vua cha thưởng cho Karna làm vua xứ Anga, ngày nay có người cho là Bengal.

Thần Indra, cha của Arjuna biết rằng trong tương lai thế nào Arjuna và Karna cũng phải giao-tranh, cho nên ông muốn Karna yếu hơn. Indra bèn hiện ra trước mặt Karna duới hình-dạng của một tu-sĩ Bà La Môn và xin Karna cho mình đôi khuyên tai với bộ áo giáp. Là người nổi tiếng từ-tâm, Karna cho ngay. Qúa ngạc nhiên vì đức-độ của Karna, thần Indra ban cho Karna một mũi phi-tiêu Naikartana và một võ-khí huyền bí tên là Sakti. Với võ-khí thứ hai, Karna có thể giết đối thủ ở rất xa, với một điều-kiện là Karna chỉ được dùng một lần mà thôi, sau đó phải trả lại cho ông. Hơn nữa, để dùng võ-khí Sakti, Karna cần gặp hiền-gỉa Parasuràma để xin thần-chú.

Karna đội lốt là một sa-môn vào rừng tìm gặp đạo-sư dũng-lược Parasuràma, là người không ưa giai-cấp võ-sĩ đạo để nhờ đạo-sư dạy cho thần-chú sử-dụng võ-khí Sakti.Parasuràma tưởng rằng Karna là một Bà La Môn, nên giúp ngay. Nhưng một hôm khi Karna đang ngủ thì bị một con “bọ cạp” đốt vào đùi chảy máu, nhưng Karna chịu đau bình thản như không. Thấy vậy, Parasuràma nghĩ răng Karna phải là một dũng-sĩ mới có khả năng chịu đau như thế. Karna đành phải thú-nhận tông-tích của mình. Parasuràma nổi-giận nguyền rằng khi cần sử dụng võ-khí Sakti, Karna sẽ không nhớ câu thần-chú, và sẽ chết.

6. DRONA VÀ DRUPADA
Hiền-giả Bharadvàja sống trong rừng cô-tịch dạy phép bắn cung cho con trai là Drona và hoàng-tử Drupada, con vua Prsata của xứ Pàncàlas. Drona và Drupada đều sinh ra từ nguồn-gốc linh-thiêng – không ai có mẹ. Cha của Drona là Vharadvàja làm rơi hạt giống xuống cái thùng thế là Drona sinh ra. Còn Prsata trong lúc mải ngắm một tiên-nữ thiên-nhiên xinh-đẹp là Menakà làm rơi hạt nhân xuống đất. Hổ thẹn quá ông vội vàng (Dru) lấy chân dẫm lên (pada) hạt giống, nhưng dẫm trượt, thế là Drupada sinh ra.

Hồi còn bé Drupada thường hứa với Drona là lớn lên làm vua ông sẽ cho Drona một nửa vương-quốc. Nhưng khi lên ngôi ông không những quên lời hứa mà còn gọi Drona là thằng ăn mày hèn hạ. Trong khi đó Drona được Bhìshma mời đến kinh-đô dậy võ cho năm anh em Pàndu và cho một trăm anh em giòng Kàuravas. Sau thời-gian huấn-luyện, Drona gửi năm anh em Pànda đi chinh-phạt xứ Pàncàlas. Cuộc chinh-phạt thành-công và vua Drupada bị bắt. Drona tha lỗi cho Drupada để giữ lại tình bạn xưa, và đồng thời cũng thể theo lời hứa cuả Drupada, Drona lấy nửa giang-sơn Pàncàlas. Drupada nuốt hận và mong có một người con trai sau này giết Drona để rửa nhục cho mình.

Để thực-hiện lời nguyền vua Drupada lập đàn tế rất lớn và sát-sinh mười triệu con bò. Nhưng ở lúc linh-ứng hoàng-hậu chưa kịp sửa soạn nhận hạt-nhân của Drupada, thì từ ngọn lửa thiêng huyền-diệu sinh ra một trai một gái. Cậu con trai tên là Dhrstadyumna và cô gái tên là Dràupadì.

7. DRÀUPADÌ
Trong khi ấy lòng ghen-ghét thù-nghịch của Duryodhana cứ tăng lên, với nỗi ám-ảnh là một ngày nào đó Yudhisthira sẽ lên làm vua. Duryodhana bàn với Karna và người cậu tên là Sakuni tìm cách tiêu diệt năm anh em Pàndu. Vua Dhrtaràstra vốn thương đám cháu Pàndava nên không bằng lòng với manh tâm của con mình. Nhưng vì Duryodhana năn-nỉ qúa nên cuối cùng ông cũng nghe theo và chính ông mời anh em Pàndava đến dự đại-lễ tế Thần Shiva tại thành-phố Vàranàvata.

Bộ-trưởng Purocana được lệnh tới Vàranàvata xây một toà lâu-đài dành riêng cho anh em Pàndava ở tạm trong thời-gian hành-lễ. Vật-chất xây cất phải có tính dẫn hỏa và tô bằng sáp để dễ đốt cháy khi anh em Pàndava đang ngủ. Trong khi ấy, một người người con của Dhrtaràstra là Vidura, vốn mến anh em Pàndavas cảm thấy có chuyện không lành nên ngầm sai một thợ mỏ lén đào một con đường hầm ngay dưới toà lâu đài thông ra bên ngoài, và cho anh em Pàndava biết trước đế phòng. Sau khi hỏa-thiêu lâu-đài, vua Dhrtaràstra và các hoàng-tử Kuru con ông tưởng rằng năm anh em Pàndu đã chết, nên mặc tang-phục làm lễ cử-ai rất lớn bên sông tế vong-hồn Pàndava.

Anh em Pàndava thoát nạn cải-trang là những tu-sĩ Bà La Môn, cùng mẹ là hoàng-hậu Kuntì tạm xa lánh một thời-gian khá lâu. Một hôm họ du-ngoạn đến thành-phố Ekacakra, có nghĩa “Đô-thị của Một Bánh Xe Ngự-Trị”. Vua của đô-thị này đã bỏ chạy vì con Hạc-qủi Bakàsura cứ đến đòi dâng hiến thịt người cho nó ăn. Nghe vậy, Bhìma đi tìm con Hạc-qủi và đánh nó chết gẫy xương rồi mang xác nó về để trước cổng thành Ekacakra.

Trong thời-gian vui sống với mẹ là hoàng-hậu Kuntì ở Ekacakra, anh em Pàndava nghe vua Drupada của xứ Pàncàla đang sửa-soạn làm lễ tuổi cập-kê (Svayamvara) rất lớn cho công-chúa Dràupadì. Vì Dràupadì nổi-tiếng xinh đẹp nên vương-tử từ nhiều nước đua nhau tới tranh-tài để mong lấy được nàng. Anh em Pàndava cũng đến kinh-đô, tạm trú tại nhà một người làm đồ gốm. Ngày lễ Svatamvara đến có cả Krishna và anh là Balaràma cũng có mặt tại Pàncàla để tranh tài. Vua Drupada sai người đặt một cái vòng xoay trên đầu một cái cột rất cao, rồi mang ra một cái cung rất lớn và cứng. Nếu vương-tử nào dương được cung ấy và bắn mũi tên xuyên qua tâm cái vòng đang xoay thì vua sẽ gả công-chúa Dràupadì cho.

Vì đây là một thử thách rất khó nên các chư-thần đếu sa xuống lưng chừng trời để chứng kiến cảnh đua tranh. Lần lượt các vương-tử bước ra thử tài. Có người không dương nổi giây cung. Những người dương được đều bắn không trúng vào tâm vòng đang xoay. Đến lượt Arjuna bước ra không những dương cung dễ-dàng mà còn bắn năm mũi tên mũi nào cũng xuyên qua tâm của cái vòng đang xoay. Vua Drupada và công-chúa Dràupadì vui mừng khôn tả, mặc cho lời thì-thầm phản-đối của một số người trong đó có cả Karna và Salya, vua của xứ Madra, vì họ cho rằng một tu-sĩ Bà La Môn không thể đoạt phần-thưởng nhẽ ra chỉ dành cho giai-cấp võ-sĩ đạo mà thôi.

Nhẽ ra công-chúa Dràupadì sẽ lấy Arjuna, nhưng anh em Pàndu khuyên Arjuna nên nhường nàng cho người anh cả là Yudhisthira. Arjuna bằng lòng. Như thế vẫn chưa xong vì khi mang nàng Dràupadì về Ekacakra, lúc mới thấy hoàng-hậu Kuntì cả năm anh em reo lên: “Mẹ ơi chúng con được một phần-thưởng lớn lắm!” Bà Kuntì mừng rỡ trả lời: “Nếu thế các con phải chia đều cho nhau.” Vì lời của hoàng-hậu ban ra là luật cho nên Dràupadì trở thành vợ của cả năm anh em Pàndu. Vua Drupada phản-đối một cuộc hôn-nhân như thế, vì đa-phu không phải là truyền-thống trong xã-hội Ân. Nhưng sự đã rồi, hơn nữa ông vốn mến tài Arjuna, và trong chính-trị một liên-minh như thế có lợi cho ông trong tương-lai. Theo sự sắp đặt thì Dràupadì sẽ ở với mỗi người anh em Pàndu hai ngày một lần, tại nhà riêng của họ. Trong thời gian nàng ở với hoàng-tử này thi các hoàng-tử khác không được phép gặp nàng. Dràupadì có với Yudhisthira một cậu trai tên là Prativindhya, với Bhìma cậu Sutasoma, với Arjuna cậu Srutakìti, với Nakula cậu Satànìka, và với Sahadeva cậu Srutakarman. Dĩ nhiên Arjuna là người chồng mà Dràupadì yêu nhất, vì thế khi Arjuna lấy em gái Krishna làm thứ-thê thì Dràupadi ghen lồng lộn.

8. CHIẾN-TRANH LẠNH
Tại kinh-đô Hàstinnapura, anh em Kuru, con của vua Dhrtaràstra đã nghe rõ những gì đang xảy ra ở Pàncàla, nên mới biết rằng anh em Pàndu (Pàndavas) còn sống. Lần này chính vua Dhrtaràstra cũng chống lại anh em Pàndu. Tất cả cha con lại tìm cách hại Pàndu. Họ nghĩ đủ cách để tiêu-diệt đối-phương, chẳng hạn tìm cách chia rẽ anh em Pàndu, dựa trên máu huyết Kuntì và Màdrì. Họ cũng định hối-lộ vua Drupada để ông này về phe họ. Họ cũng tung tin về nghệ-thuật làm tình khác nhau của anh em Pàndu cốt để anh em nhà này ghanh với nhau. Họ còn bịa ra rằng chính nàng Dràupadì bắt qủa tang mấy ông chồng ngủ với phụ-nữ khác. Nhưng những chuyện ấy không thành.

Trên thực tế, thế-lực của anh em Pàndu đang lên. Họ có những đồng-minh như Dhrstadyumna, con trai của vua Drupada và một người con trai khác cũng của Drupada là Sikhandin, hậu thân của nàng Ambà thất-tình, vốn kiếp trước là con vua xứ Kàsis. Hơn nữa, họ còn có Krishna và cả sắc-tộc Yàdavas của ông ta ủng-hộ. Trước sức-mạnh ấy, anh em Kuru cảm thấy lo sợ. Tổ-phụ Bhìsma và lão-tướng Drona khuyên anh em Kuru nên chia nửa vương-quốc cho anh em Pàndu để tránh binh đao. Phe diều-hâu là Duryodhana và Karna phản-đối kịch-liệt. Nhưng cuối cùng phe chủ hoà thắng thế, và Vidura, người anh em thân thiện với Pàndu được phái tới triều-đình vua Drupada để xin hoà với anh em Pàndu và đón họ cùng với hoàng-hậu Kuntì và Dràupadì trở về Hàstinnapura. Thế là vương-quốc được chia đôi, anh em Pàndu xây dựng một kinh-thành mới ở phía tây bên sông Yamuna, lấy tên là Indraprastha, tức Tân Đề-li ngày nay.

Tại Indraprastha, Yudhisthira muốn biến nước thành một đế-quốc. Ông mời Krishna đến để xin í-kiến. Krishna trả lời rằng ngày nào bạo-chúa Jaràsamdha, kẻ thù của Krishna, vẫn còn tức-vị, vẫn còn có đám dân Ionian, tức Hi-lạp tiếp-sức, vẫn còn cầm tù khoảng tám mươi vương-tử, và vẫn có í-đồ xâm lược để bắt cho được đủ một trăm vương-tử bỏ tù, thì ngày đó không vua nào có đủ uy-dũng làm hoàng-đế. Nghe xong, Yudhisthira bỏ í-định. Nhưng Bhìma phản-đối tinh-thần nhu-nhược ấy mà ông cho là không xứng đáng phong-cách quân-vương. Do đó, Krishna đề-nghị Bhìma, Arjuna, và ông lên đường diệt bạo-vương Jaràsamdha và giải phóng cho những vương-tử đang bị Jaràsamdha cầm tù.

Jaràsamdha cũng là một người sinh ra với nguồn-gốc lạ-lùng. Cha ông tên là Brhadratha tuy có hai vợ, nhưng không có con. Ông đến nhờ một hiển-giả giúp đỡ chuyện này. Hiền-giả nhận lời nhưng phải đợi đến khi một qủa xoài rơi vào lòng mình thì ông cắt nó làm hai mảnh rồi đưa cho Brhadratha mang về cho hai bà vợ. Kết qủa là mỗi người vợ sinh ra một nửa hài-nhi, nên phải nhờ phép-thuật của nữ-quỉ Jarà ghép hai mảnh hài-nhi lại làm thành một hài nhi, bởi vậy đứa bé có tên là Jaràsamdha. Chữ Samdha có nghĩa là ghép lại với nhau, còn chữ Jarà có nghĩa là bởi Jarà. Jaràsamdhajarà lớn lên có sức mạnh phi-thường.

Krishna và hai anh em Arjuna cải trang là ba nhà tu-hành đến triều-đình vua Jaràsamdha và được nhà vua ân-cần tiếp đón. Ngay sau đó Krishna, Bhìma và Arjuna cởi bỏ áo tu tự nhận họ là chiến-sĩ, và thách Jaràsamdha thí võ, một đối một. Jaràsamdha nhận lời và chọn đấu với Bhìma. Cả hai giao-đấu mười hai ngày bất phân thắng bại. Đến ngày thứ mười ba Bhìma giết chết Jaràsamdha, giải thoát cho các vị vương-tôn khỏi nhà tù, và đưa con trai của Jaràsamdha lên làm vua. Krishna, Bhìma và Arjuna trở lại kinh-đô.

Yudhisthira lập đàn Thụ-thiên (Ràjasùya), một đại lễ vô-tiền khoáng hậu chỉ dành cho vua nào xứng đáng danh-vị hoàng-đế. Tại buổi đăng-quang đó, hiền-gỉa Vyàsa, cha thực của Yudhisthira, cho con trai mình biết một điềm không lành sẽ xảy ra cho toàn giai-cầp võ-sĩ đạo. Duryodhana người anh cả của anh em Kuru cũng có mặt trong buổi lễ đó, chứng kiến cảnh giàu sang thịnh-vượng của Indraprastha và đâm lòng ghen tức. Ông đề nghị với người cậu là Sakuni tìm cách gây chiến với anh em Pàndu để cướp lại nửa vương quốc. Sakuni khuyên không nên động binh, mà nên gài Yudhisthira vào trò chơi sóc-đĩa, một biệt-tài của ông, để đạt mục-đích một cách ôn-hoà. Mới đầu vua Dhrtaràstra không tán-thành chuyện đó, nhưng rồi theo thói quen ông cũng thuận.

9. VÁN-BÀI Ô-NHỤC
Duryodhana cho thiết lập một sòng bạc lớn, và phái em trai mình là Vidura đem thư mời đến Yudhisthira. Vidura bắt buộc phải đi nhưng trong dạ không vui. Yudhisthira nhận lời mời một phần cũng vì lịch-sự, và một phân vì máu cờ bạc mặc dù ông không giỏi chuyện đỏ đen. Tại kinh-đô Hàstinapura, anh em Pàndu được đón tiếp với đầy đủ lễ-nghi triều-đình long trọng. Sau khi khai-mạc sòng bài, Sakuni mời Yudhisthura nhập cuộc. Yudhisthura đã nghe danh Sakuni có tài sóc-đĩa, nhưng vẫn cứ lao đầu vào, và từ từ mang trang-sức, vàng bạc, ngựa xe ra đánh. Sakuni thắng liên-tiếp, còn Yudhisthura càng thua càng cay mang cả bò, cừu, làng mạc, dân-chúng và tài-sản của dân ra đánh. Sakuni được hết. Trong lúc thua cay, Yudhisthura mê-muội mang hết cả anh em và chính mình ra đánh. Sakuni vớ hết, và trái với luật đỏ đen, còn đề-nghị Yudhiathura mang vợ là Dràupadì ra đặt xuống sòng bài. Đề nghị của Sakuni làm cho các vị huynh-trưởng như Drona, Krpa, Bhìsma và ngay cả Vidura và vua Dhrataràstra phẫn-nộ. Nhưng Duryodhana, Karna và đám anh em Kuru hân-hoan cổ-võ. Sakuni thắng, và Dràupadì sẽ phải là thị-tì hầu-hạ anh em Kuru. Duryodhana sai em là Duhsàsana tìm bắt Dràupadì. Hắn nắm tóc Dràupadì lôi vào hội-trường. Trước cảnh đó các vị trưởng-lão cảm-thấy nhục lây. Chính Vikarna, một trong những hoàng-tử của vua Dhrataràstra cũng lên tiếng tố-cáo là trò chơi phạm-luật. Nhưng Duryodhana ngoan cố, trong khi Duhsàsana đi qúa trớn lột quần áo anh em Pàndu và cả Dràupadì. Nhưng một phép lạ xảy ra bảo vệ Dràupadì, vì mỗi lần áo của bà bị cởi ra thì lập-tức có áo mới thế vào. Đến lúc này Bhìma lên tiếng thề rằng một ngày nào đó ông sẽ xé xác “con vật” Duhsàsana và uống máu nó. Ngay tức thời từ trong rừng thú dữ hú vang. Vua Dhrtaràstra tiên-đoán ngay đó là điềm tận-diệt của con cháu mình. Ông gọi Dràupadi và Yudhisthura đến bên ngai xin cả hai tha thứ và trả lại vương-quốc cho họ.

Sau khi gia-đình Pàndu rời Hàstinapura, Duryodhana mắng cha là đã tử tế với kẻ thù. Ông luận như sau:

*“Ta phải là ta chứ. Nước có bao giờ chảy ngược đâu, ta phải hành-động theo nhiên-tính của mình. Những vị vua hiền-từ đếu bị tiêu-diệt. Chỉ có kẻ nào không bao giờ thoả mãn mới là người hạnh-phúc ... Không có luật nào xác-định ai là kẻ thù. Vấn đề này tùy thuộc vào í-nghĩ của mỗi người. Ta phải bày trò đỏ đen để tiêu-diệt anh em Pàndu. Đuổi chúng ra khỏi vương-quốc của ta. Tại sao lại để chúng cai trị nửa quốc-gia? Hãy làm một bàn sóc-đĩa một lần nữa. Sóc một lần mà thôi. Ai thua phải đi vào rừng mà ở.”*
Vua Dhrtaràstra già nua lẩn-thẩn lại nghe con cho phép bày trò sóc-đĩa với Sakuni ném con lúc-lắc, và mời Yudhiathura đến đánh một lần nữa. Yudhiathura lại ngớ-ngẩn nhận lời.
*Yudhiathura: “Nếu ông thắng thì ông có để chúng tôi yên?”
Duryodhana: “Chúng ta sẽ không còn là đối-thủ của nhau nữa. Nếu tôi thua, thì tôi, Duhsasana, Karna, và cậu Sakuni sẽ phải vào trong rừng ở đúng mười hai năm. Năm thứ muời ba chúng tôi sẽ mai danh ẩn tích trong một đô-thị. Nếu tông-tích bị lộ thì chúng tôi sẽ phải vào rừng ở lại mười hai năm nữa, rồi năm thứ mười ba cũng lại như tôi đã vừa nói. Còn nếu ông thua thì ông và các em của ông cũng phải theo những điều-kiện như tôi vừa nói.”
Yudhiathura: “Sau đó thì sao?”
Duryodhana: “Người thua lại được trao trả vương-quớc.”
Yudhiathura: “Tôi đâu có sợ.”
Sakuni nắm con lúc-lắc trong tay.
Bhìma: “ Bảy!”
Sakuni ném con lúc lắc xuống, Duryodhana nhìn theo, nói nhẹ nhàng: “Sáu!”*

Như vậy anh em Pàndu phải lưu-vong. Drona và Vidura hoảng sợ vì họ tiên-đoán lúc qủa báo trước công-lí, giòng Kàuravas sẽ bị tận-diệt. Duryodhana vỗ-đùi cuời ha hả, khiến Vidura phải thốt lời nguyền rủa là sau này trên chiến-trường Duryodhana sẽ bị Bhìma đánh gẫy hai chân và chết nếu ông ta thi hành kế-hoạch xấu xa.

10. LƯU-VONG
Vidura, ghê tởm âm-mưu của ông anh, nên mời bà Kuntì ở lại với gia-đình mình, chỉ để anh em Pàndu lưu vong mà thôi. Ông nói: “Khi các anh từ rừng sâu trở về, các anh sẽ mạnh hơn ngày hôn nay. Em mong mặt trăng ban cho các anh hạnh-phúc, và địa-cầu ban cho các anh lòng kiên-nhẫn. Các anh đừng quên những gì các anh đã học hỏi từ kinh-nghiệm lưu-vong trước.” Í ông muốn nhắc tới thời-gian sau khi anh em Pàndu thoát nạn cháy trong ngày lễ thần Shiva.

Trong thời gian có chuyện đỏ-đen tại Hàstinapura, Krishna từ xa phải trở về giải vây kinh-thành Dvàrakà của mình khỏi tay vua Sàlva. Bạn của ông vua này là Sisupàla bị Krishna giết chết. Sau khi giải vây thành Dvàrakà, Krishna vào trong rừng gặp anh em Pàndu. Ông mang theo cả bộ hạ và nhiều người thuộc bộ lạc Bhoja và Vrsni, kể cả vua xứ Cedi là Dhrstaketu, và các chiến-sĩ nhóm Kekaya, vốn có thiện cảm với anh em Pàndu. Krishna an-ủi anh em Pàndu rồi mang Subhadrà, em gái mình và là thứ thê của Arjuna cùng với cậu bé Abhimanyu, con trai của Sbhadrà và Arjuna về kinh-đô Dvàrakà săn sóc.

Anh em Pàndu chia tay nhau đi hành-hương. Trước hết, Arjuna vào rặng Hi-mã Lạp-sơn tu-hành khổ hạnh. Một hôm ông bị một con lợn rừng phóng tới, ông rút cung tên bắn con vật, nhưng cùng lúc ấy có một nhà săn-bắn khác cũng bắn trúng con vật. Cả hai đều cho là mình bắn chết con lợn rừng, không ai chịu ai. Cuối cùng cả hai thí võ. Arjuna để í là khi ông đành trúng đối-phương thì đối-phương không hề hấn gì cả, còn khi đối-phương đánh trúng ông thì ông bị thương. Cuối cùng Arjuna nhận ra người thợ săn kia là thần Shiva. Ông xin lỗi thấn. Thần Shiva lập tức chữa các vết-thương cho ông, và còn ban cho ông sức mạnh gấp trăm lần. Sau đó Shiva chở Arjuna lên xe của thần vào lĩnh-địa của thần Indra để nghỉ ngơi một thời-gian ở đó và để các chư thần ban cho ông nhiều võ-khí linh-thiêng khác.

Trong khi ấy, bất chấp lời khuyên của vua Dhrtaràstra, Duryodhana và mấy người em cùng Karna vẫn hay vào rừng chế riễu anh em Pàndu. Lần này họ vô-í tấn công một nhóm nhạc-sĩ thiên-cung và bị thua sau một trận giao-phong dữ dội. May thay họ được chính Yudhisthira cứu sống, và cũng vì nhóm nhạc-sĩ thiên-cung không muốn đánh với Yudhisthira. Nhóm Duryodhana cảm thấy ê-chề nhục-nhã.

Năm thứ mười ba bắt đầu, anh em Pàndu cải trang đến triều-đình vua Viràta của xứ Matsyas xin làm gia-nô. Yudhisthira là hầu-cận, Bhìma nấu ăn, Arjuna là hoạn-quan, Nakula coi chuồng ngựa, Sahadeva là mục-đồng của nhà vua, còn Dràupadì trở thành nữ-tì của hoàng-hậu và công-chúa. Nhưng nhan-sắc của Dràupadì không lọt qua cặp mắt của Kìcaka, vị tổng-tư lệnh quân-đội của Matsyas. Kìcaka không những theo đuổi mà còn định hiếp Dràupadì. Trước tình-thế ấy, Dràupadì phải giả bộ mời Kìcaka vào cung, và dặn Bhìma tới giúp nàng. Kìcaka xuất-hiện và bị Bhìma đánh chết. Cái chết của Kìcaka khiến triều-đình nghi ngờ và e-ngại sự có mặt của Dràupadì, nên nhà vua yêu cầu nàng ra đi. Dràupadì năn nỉ xin thêm một tháng, cho đúng kì hạn chấm dứt lưu-vong.

Trong thời-gian một tháng này, cái tin Kìcaka bị giết vang đến cả Hàstinapura. Vì Kìcaka là một dũng-tướng chỉ có những người phi-thường như Bhìma mới có thể hạ-thủ được, nên anh em Kuru nghi là anh em Pàndu đang ở Matsyas. Duryodhana dự định xâm-lăng Matsys. Í này được tiểu-vương Susarman của xứ Trigarta gần thành-phố Lahore ngày nay nhiệt-liệt tán-thành. Số là Susarman và Viràta có chuyện bất hoà, nhưng Susarman không dám gây hấn vì e ngại Kìcaka. Duryodhana và Susarman tấn công Matsyas bằng hai ngả. Vua Viràta tiếc là Kìcaka không còn để đương-đầu với ngoại xâm. Yudhisthira tiến lên thưa rằng, dù anh em ông là kẻ tu-hành, nhưng cũng có chút võ-nghệ, có thể đương đầu được với Susarman, nếu vua Viràta trao quân-đội cho ông và các em của ông. Viràta đành phải nghe. Trong một trận đánh lớn vua Viràta chẳng may bị bắt. Bhìma định nhổ cây để cứu, nhưng Yudhisthira khuyên chớ làm, vì sợ lộ tung-tích. Bhìma lên chiến xa đẩy lui quân của Sursarman và giải cứu vua Viràta, ca khúc khải-hoàn trở lại Matsys. Trong khi ấy quân của Duryodhana tiến vào Matsysas bằng ngả khác, cướp hết trâu bò vốn là nguồn kinh-tế của Matsysas. Hoàng-tử Uttara, con vua Viràta, nghe biết Arjuna, dù là một hoạn-quan, nhưng đã từng là chiến-sĩ lái chiến xa, nên Uttara nhờ Arjuna cầm cương đưa mình ra nghênh chiến. Vì là lần đầu lâm-trận, mới thấy quân anh em Kuru dàn hàng, Uttara kinh-hồn định bỏ chạy. Arjuna phải cố gắng giữ lại và lên chiến xa chiến-đấu để cho Uttara cầm cương. Sau đó Arjuna đi lấy binh-khí của mình giấu ở trên cây, rồi thổi chiếc tù và Devadatta. Nghe tiếng tù-và, Drona và Bhìsma nhận ra ngay là Arjuna, nhưng thời hạn lưu-vong đã hết. Drona đề nghị Duryodhana mang quân về Hastinapura với đàn trâu bò, còn ông với Bhìsma, Krpa, Karna và Asvatthàman, con trai của Drona ở lại giao-chiến với Arjuna. Arjuna đem quân đi vòng đuổi theo Duryodhana và lấy lại được hết trâu bò rồi mới quay lại tấn công quân Drona và các chiến-tướng của Kuru. Ông hạ hết tất cả, đặc biệt dùng một loại võ khí linh-thiêng đánh họ ngã bất tỉnh rồi ra lênh lột hết quần áo của họ. Drona và tàn quân nhục-nhã rút về Hastinapura. Arjuna lại đem vũ-khí dấu lên cây, mặc quần áo hoạn-quan, và báo tiệp chiến-thắng của hoàng-tử Uttara về triều-đình.Tại kinh-đô, Uttara trình bày với vua cha về vĩ-công của Arjuna. Lúc đó anh em Pàndu mới để lộ tung-tích của mình, vì thời-hạn lưu-vong đã hết.

11. ĐẠI-CHIẾN




Anh em Pàndu được phép đến ở Upaplavya, một thành-phố trong lãnh-thổ của Viràta. Tại đây, họ mời thân-thích và đồng-minh đến hop mặt để tính chuyện đòi lại vương-quốc. Lần lượt đến họp mặt, dẫn đầu bởi Krishna, có Balaràma (anh trai Krishna), Subhadrà (vợ thứ của Arjuna), Abbhimanyu (con trai Arjuna), các chiến-sĩ Yàdava, vua nước Kàsis và Sàibya, vua Sibi, vua Drupada mang cả một đội hùng-binh đến, với sự hiện-diện của hai con trai là Sikhandin (hậu-thân của nàng Ambà) và Dhrstadyumna. Anh em bà con của Krishna là Sàtyaki cũng đến. Triều-đình lưu-vong quyết-định cử một sa-môn đến Hastinapura xin Duryodhana thi hành lời giao-ước trả lại đất cho anh em Pàndu. Tổ-phụ Bhìsma khuyên nên làm, nhưng phe diều-hâu và đặc biệt Karna phản-đối. Thế là chiến-tranh sẽ xảy ra.

Duryodhana đến gặp Krishna xin giúp sức. Krishna cho Duryodhana và Arjuna được lựa chọn giữa mình, chỉ là người điều-khiển chiến-xa, và quân-đội của mình. Dĩ-nhiên, Duryodhana chọn quân, cò Arjuna chọn Krishna. Anh trai của Krishna là Balaràma xin đứng ngoài vòng chiến. Cả hai phe ráo riết động-binh. Vua Dhrtaràtra cử Samjaya đến gặp anh em Pàndu để xin hoà. Samjaya nói thẳng là ông chỉ là sứ-giả chuyển í riêng của vua Dhrtaràtra, còn hoà hay chiến là do anh em Kuru quyết-định. Bà Dràupadì, vợ chung của anh em Pàndu quyết-định hi-sinh bằng mọi thứ để trả thù cái nhục của bà. Một lần nữa Krishna thân đến gặp Duryodhana để bàn chuyện bãi binh, nhưng Duryodhana từ chối. Trước tình-thế ấy, hoàng-hậu Kuntì đến gặp Karna, khi ấy đang thiền-định bên sông. Bà cho Karna biết là ông ta không phải là con của chiến-sĩ điều-khiển chiến xa, mà con của bà và thần mặt Trời. Karna xiết nỗi vui mừng, nhưng thưa với mẹ đã qúa muộn, vì hận-thù với Arjuna, Yudhisthira và Bhìma cần phải được thanh-toán. Tuy nhiên, khi đối trận, Karna hứa với mẹ là chỉ tử-chiến với Arjuna mà thôi.

Cả hai phe thoả-thuận chọn cánh-đồng Kuruksetra, nằm về phía bắc giữa Hastinapura và Indraorastna, là nơi giao-chiến. Cứ dựa vào sử-sách thì trận-đánh này đã xảy ra giữa khoảng 800 và 600 trước Công-nguyên. Lực-lượng của hai phe như sau:

PÀNDU (Pàndavas)                                                     KURU (Kàuravas)
7 sư-đoàn                                                                       12 sư-đoàn
[mỗi sư-đoàn gốm có 21,670 cỗ xe, 21,670 con voi trận, 65,010 kị-binh, và 108,350 bộ-binh]

Tính tổng-cộng, phe Pàndu có                                         Tính tổng-cộng, phe Kuru có
153,090 cỗ xe, 153,090 con voi trận,                              240,570 cỗ xe, 240,570 con voi trận,
459,270 kị-binh và 765,450 bộ-binh.                               721,710 kị-binh và 1,300,200 bộ-binh.

[Dù những con số trên có thể được phóng-đại cho hợp với tinh-thần huyền-thoại, nhưng nếu
so sánh với quân-lực của vương-quốc Ba-tư thời đó thì ta thấy có thể hiểu được.]



Sau đây là các vị tư-lệnh và chiến-tướng của hai phe:

Yudhisthira, Hoàng-đế, con Thần Chính-Pháp. Duryodhana, anh cả nhóm Kuru
Arjuna, con Thần Indra, anh em Pàndu Sakuni, cậu của Duryodhana.
Bhìma, con Thần Gió Vàyu, anh em Pàndu Duhsàsana, anh em Kuru
Nakula, con kị-sĩ thiên-cung, anh em Pàndu Bhìsma, tổ-phụ
Sahadeva, con kị-sĩ thiên-cung, anh em Pàndu Drona, lão-tướng
Drupada, vua nước Pàncàla Karna, con thần Mặt-Trời
Dhrstadyumna, Nguyên-soái Krpa, Nguyên-soái
Sikhandin, hiện-thân nàng Ambà Sudaksina, vua xứ Kamboja
Abhimanyu, con trai của Arjuna Bhagadatta, vua xứ Pràgjyotisa
Sàtyaki (Yuyudhàna), vua nhóm Vrsni Salya, vua xứ Madra
Viràta, vua xứ Matsya Sàlva, vua xứ Sàlva
Uttara, con vua Viràta, đồng-hao Abhimanyu Jayadratha, vua Sindhu-Sàuvira
Sahadeva, vua xứ Màgadha Sùrasena, vua xứ Mathurà
Ghatotkaca, con trai Bhìma Krtavarman, một đồng-minh
Iràvat, con trai Arjuna với Nàga Bhùrisravas, vua xứ Somadatta
Dhrstaketu, vua xứ Cedis Citrasena, anh em Kuru
Cekitàna, vương-tử Vinda, anh em Kuru
Krishna, hiện-thân của Vishnu Kalingas
Sveta Asvatthàman
Samga Kàuravas
Vrka Srutàyo
Satyajit Alambura
Santànika Susarman
Yuyutsu Laksmana
Yugdhàmanyu Vrsa
Uttamàuja Acala
Prativindhaya Angas
Sutasoma Jalasamdha
Srutakìrti

Luật chiến-tranh: Một đấu một, tướng đấu với tướng, chiến-xa đấu với chiến xa, kị-binh đấu với kị-binh, bộ-binh đấu với bộ-binh. Giao-chiến giữa ban ngày, hưu chiến khi mặt trời lặn. Không được giết đối-thủ đã bỏ chạy hoặc ngồi trong tư-thế thiền-định Yoga. Ai đã hàng thì phải tha. Bộ binh không được giết ngựa. Không được tấn-công người không có võ khí, người đánh-trống, thổi tù-và và cả người điều-khiển chiến xa. Tuy nhiên, chiến-tranh nào cũng thế, khi đã hăng say thì qui-luật trở thành vô-dụng.

NGÀY THỨ NHẤT
Bhìsma đấu với chắt của ông là Abhimanyu, tức con trai của Arjuna bất phân thắng bại. Sylya tiếp sức cho Bhìsma. Uttara đấu với Salya và vô í giết ngựa của Salya. Salya giết Uttara. Sveta đấu với Salya, và một mình đầy lui quân Kuru, nhưng cuối cùng bị Bhìsma giết chết. Phía Pàndu mất hai đại-tướng.

NGÀY THỨ HAI
Nguyên-soái Dhrdadyumna dàn quân Pàndu rất chặt chẽ, nhưng lão-tướng Bhìsma tấn công rất có hiệu-qủa. Arjuna bảo Krishna: “Chắc phải giết cụ này mất.” Nói xong Arjuna tấn-công Bhìma, nhóm Kuru cố gắng bảo vệ Bhìsma, nhưng bị Arjuna đầy lui. Bhìsma bắn vào Krishna khiến Arjuna nổi giận đánh Bhìsma, nhưng vẫn chưa giết được ông. Trong khi ấy Drona tấn-công Dhrdadyumna. Thấy Dhrdadyumna có vẻ yếu thế, Bhìma lướt tới đưa vị nguyên-soái sang chiến-xa của mình. Duryodhana phái Kalingas mang quân tới tấn công Bhìma. Bhìma giết một số lớn quân của Kalingas rồi tới cứu Kalingas. Sàtyaki và Abhimanyu cũng lướt tới trợ lực Bhìma. Sàtyaki giết chết chiến-sĩ điều-khiển chiến-xa của Bhìsma (phạm-luật) khiến Bhìsma phải bỏ chạy. Quân Kuru bị đẩy lui.

NGÀY THƯ BA
Anh em Kuru tấn-công Arjuna. Sakuni tấn-công Sàtyaki. Abhimanyu cứu Sàtyaki vì chiến-xa của Sàtyaki bị vỡ. Drona và Bhìsma tấn-công Yudhisthira. Bhìma và con là Ghatotkaca chiến-đấu anh-dũng với Duryodhana. Duryodhana bị tên của Bhìma ngã chết ngất trong xe nên chiến-sĩ đánh xe phải bỏ chạy thục mạng. Bhìma lại giết được rất nhiều quân của Kuru. Bhìsma và Drona chỉnh-đốn lại quân-đội rồi cùng với Duryodhana, đã lai-tỉnh, trở lại chiến-trường. Duryodhana trách Bhìsma không chiến-đấu hết mình. Bhìsma tấn-công mãnh-liệt, quân Kuru chạy tứ-tán. Krishna bảo Arjuna tấn công Bhísma, nhưng Arjuna không nỡ. Bhìsma rút lui và hết lời ca-ngợi đối-phương.

NGÀY THỨ TƯ
Bhìsma, Drona và Duryodhana tiến quân. Asvatthàman, Bhùrisravas, Salya và Citrasena cùng vây Abhimanyu. Arjuna vội tới cứu con, và Dhrstadyumna đem quân tiếp ứng. Bhìma xuất-hiện, Kàuravas vội thúc cả đàn voi trận lớn đến cản Bhìma. Nhưng Bhìma làm đám voi tán-loạn dày xéo lên quân của Kuru. Thừa thắng Bhìma tiến lên và suýt giết được Duryodhana. Bhìma bắn gẫy cung của Duryodhana làm hai. Duryodhana trả đũa rất mạnh khiến Bhìma phải ngồi xuống đất. Ghatotkata lướt tới giúp cha. Bhìma vung lên giết tám anh em Kuru. Một ngày đại-thắng cho phe Pàndu. Bhìsma đề-nghị hoà-bình nhưng Duryodhana không nghe.

NGÀY THỨ NĂM
Bhìsma tấn-công quân Pàndu dữ dội. Arjuna tấn công Bhìsma. Duryodhana than-phiền với Drona là những cuộc tấn-công của quân mình qúa yếu. Drona tấn-công Sàtyaki, Bhìma vội vàng đến cứu. Drona, Bhìsma và Sàtyaki cùng tấn-công Bhìma, nên Sikhandin phải vội vàng tiếp cứu. Thấy Sikhandin, Bhìsma nhận ra tiền-thân của nàng Ambà, nên quay trở lại. Drona đẩy lui được Sikhadin. Trong cuộc giao-tranh hỗn-loạn, các con trai của Sàtyaki đều chết về tay Bhùrisravas. Sàtyaki đấu với Bhùrisravas. Bhìma cứu Sàtyaki, còn Duryoddhana cứu Bhùrisravas. Arjuna giết cả nghìn quân Kuru. Một ngày vinh-quang cho phe Pàndu.

NGÀY THỨ SÁU
Chiến-sĩ điều-khiển chiến xa của Drona bị giết (phạm-luật). Một mình Bhìma đánh bảy anh em Kuru. Ông bỏ xe chạy bộ vung chùy sắt đuổi họ ra tận hậu-quân của Kuru, khiến cho Dhrstadyumana phải theo sau phòng khi Bhìma sơ xuất. Duryodhana và các em vây đánh Bhìma và Dhrstadyumana khiến cho Dhrstadyumana phải dùng một loại hơi ngạt (học được của Drona) chống lại. Rồi đến lượt chính Duryodhana cũng sử dụng hơi ngạt ấy. Yughisthira mang quân tới tiếp-viện cho Bhìma. Drona giết ngựa và đập nát chiến-xa của Dhrstadyumana (phạm luật). Abhimanyu cứu Dhrstadyumana và đưa sang chiến xa của mình. Phía Pàndu hỗn-loạn vì Bhìsma. Duryodhana bị Bhìma đánh trọng thương may nhờ Krpa cứu thoát. Coi như phe Kuru thắng ngày hôm nay.

NGÀY THỨ BẢY
Viràta bị Drona đánh bại. Samga, con trai của Viràta bị tử-thương. Nhưng phe Kuru còn bị nặng hơn. Yudhisthira đánh bại Srutàyu, giết luôn ngựa và chiến-sĩ đánh xe cho ông ta (phạm luật). Quân-đội của Duryodhana xuống tinh-thần. Cekitàna tấn công Krpa, giết luôn ngựa và chiến-sĩ đánh xe cho ông ta (phạm luật). Krpa tức qúa thách Cekitàna xuống đất giao-tranh. Cả hai thương-tích cùng mình và cùng lả ra vì kiệt sức. Bhìma đưa Cekitàna lên xe về. Sakuni cũng cứu Krpa. Bhìsma tấn công Abhimanyu nhưng Arjuna xông ra cứu con. Tất cả anh em Pàndu cùng giao chiến với Bhìsma. Hoàng hôn đến, cả hai bên thu quân về để chữa chạy vết thương.

NGÀY THỨ TÁM
Bhìma giết tám anh em Kuru. Iràvat, con trai của Arjuna có với công-chúa Nàga bị Alambusa giết. Arjuna rất buồn. Ghatotkaca tàn-sát rất nhiều quân-đội Kuru, và suýt nữa giết chết Duryodhana, nếu Drona không đến cứu kịp. Thêm mười sáu anh em Kuru bỏ mình trong ngày.

NGÀY THỨ CHÍN
Bhìsma giết cả nghìn quân Pàndu. Abhimanuyu đánh bại Alambusa. Sàtyaki giao-chiến với Asvatthàman. Drona giao-chiến với Arjuna, rồi Bhìsma lại tấn-công anh em Pàndu. Krishna bảo Arjuna giết Bhìsma đi, nhưng Arjuna không nỡ ra tay. Krishna bực mình bước xuống xe bảo Arjuna đi bộ đánh với Bhìsma. Arjuna vội vàng giữ ông lại. Một ngày chiến-thắng cho phe Kuru.

NGÀY THỨ MƯỜI
Arjuna chọn Sikhandin lái xe cho mình. Arjuna tấn công Bhìsma. Khi Sikhandin bắn Bhìsma, Arjuna bắn theo ngay một loạt tên đều xuyên qua áo giáp của Bhìsma ở những điểm mà Sikhandin bắn trượt. Bhìsma bị trọng-thương chết từ từ. Ông tuyên bố là ông chết vì những mũi tên của Arjuna, và đó là một vinh-dự. Nhưng Sikhandin cho là mình bắn chết Bhìsma, để hoàn tất lời thề, vì ông chính là hậu-thân của nàng Ambà. Thần-linh trên trời khoanh tay cúi chào khi Bhìsma bị hạ. Hai bên cùng ngưng giao-chiến để tỏ lòng tôn-kính lão tướng. Bhìsma xin uống nước, Arjuna bắn một mũi tên xuống đất, từ đó một giòng nước của giải sông Hằng tuôn ra để cho người con khỏi khát. Bhìsma mong hai bên giảng-hoà. Karna lại gần xin cụ ban phép lành. Bhìsma khuyên Karna đừng đánh nữa. Nhưng Karna thưa rằng vì ông ta đã chót theo Duryodhana, nên ông phải theo đến cùng. Bhìsma cố kéo dài cái chết trong năm mươi tám ngày, cho đúng chu-kì mặt trời về phương bắc để ông nhập niết-bàn.

NGÀY THỨ MƯỜI MỘT
Thấy thắng bằng quân-sự khó qúa, Duryodhana nhờ Drona cố gắng bắt sống Yudhisthira, để ép vào cuộc đỏ đen một lần nữa. Nhưng Yudhiisthira phóng lên ngựa chạy thoát. Nakula đánh bại Salya và Krpa đánh bại Dhrstaketu. Satyaki đánh với Krtavarman, Viràta đánh với Karna, Abhimanyu đánh với bốn anh em Kuru một lượt. Bhìma hạ Salya. Anh em Kuru mất tinh-thần. Drona lại cố gắng bắt sống Yudhisthira nhưng bị Arjuna đánh bại và bị đẩy lui. Một ngày đại bại cho phe Kuru.

NGÀY THỨ MƯỜI HAI
Anh em Kuru thấy không thể bắt được Yudhisthira vì Arjuna có mặt, nên họ lập cách dụ Arjuna đi chỗ khác và giết đi. Susarman và bốn anh em tấn-công Arjuna nhưng bị Arjuna giết chết hết. Drona lại cố bắt Yudhisthira nhưng Dhrstadyumna và các vương-tử Pàncàla che chở cho Yudhisthira. Dhrstadyumna tấn công Drona. Nhưng Drona tránh đi để tìm cách bắt Yudhisthira. Song le Drupada chặn đường. Drona tấn-công Drupada rồi tìm cách lại gần Yudhisthira. Hai hoàng-tử Pàncàla là Vrka và Satyajit đều tử trận, còn Satànika con của vua Viràta bị Drona giết chết. Thứ đến là một trận đấu anh hùng nhất xảy ra khi Abhimanyu chọc thủng đạo quân Kuru mới biết là mình bị vây. Abhimanyu trổ tài qủa cảm đẩy lui quân đội Kuru, kể cả Duryodhaana. Phe Pàndu cố gắng đến tiếp cứu Abhimanyu nhưng bị đẩy lui. Nhóm Kuru cùng nhào đến một lượt tước vũ-khí của Abhimanyu. Nhưng viên tướng trẻ này vẫn anh-dũng dùng bánh xe đánh lại. Cuối cùng con trai của Duhsàsana là Laksmana đánh Abhimanyu ngã xuống đất và giết luôn. Yuyutsu con trai của Dhrtaràstra chiến đấu cho phe Pàndu chứng kiến cảnh đó thấy qúa ghê-tởm bỏ chiến-trường. Yudhisthira tự trách vì mình mà Abhimanyu tử trận. Arjuna thề sẽ ghiết Jayadratha để trả thù cho con, vì ông vua này bày kế nhử cho Abhimanyu vào bẫy.

Trận chiến vẫn tiếp-tục, quân đội Kuru tan nát. Bhagadatta tức-giận tấn công Bhìma, đập tan chiến xa và giết ngựa của Bhìma. Bhìma đi chân đất đâm vào sườn voi của Bhagadatta khiến con vật phát điên vì đau. Đến lúc này không còn luật lệ chiến-tranh nữa. Arjuna giết luôn cả Bhagadatta và con voi của ông. Anh em Vrsa và Acala cố gắng tập họp quân-đội Kuru lại nhưng cả hai đều bị Arjuna giết chết. Sakuni tấn công Arjuna, nhưng bị thua đành phải bỏ chạy.

NGÀY THỨ MƯỜI BA
Arjuna bắn tên tua tủa như mưa xuyên thủng đội-ngũ Kuru, khiến nhiều tướng tá và quân đội Kuru phải bỏ chạy. Duhsàsana nổi giận mang một đội binh voi lướt tới Arjuna. Arjuna bắn chết hết đàn voi trận khiến cho đội quân của Duhsàsana và cả ông cũng phải bỏ chạy xin Drona che chở. Arjuna tấn công đạo quân của Drona với í-định tìm Jaysdratha. Yugdhàmanyu và Uttamàuja theo sau bảo vệ Arjuna. Arjuna tàn sát quân Kuru kể cả đoàn voi do Angas và Kalingas mang đến. Arjuna vẫn tiếp tục giết các chiến-sĩ phe địch, kề cả ngựa voi. Trong khi đó Bhìma tấn công Jalasamdha, con trai của vua Dhrtaràstra. Còn Yudhisthira đấu với Krtavarman, Dhrstadyumana đấu với Drona. Thấy Sàtyaki tàn sát quân Kuru, Drona lướt tới đánh. Đến lúc này Arjuna đang đánh quân của Jayadratha, thổi tù và inh-ỏi lên khiến Yudhisthira tưởng là Arjuna gặp khó khăn bèn sai Sàtyaki đến tiếp cứu. Thế rồi Bhìma tấn công Drona có hiệu-qủa, rồi đánh bật phòng-tuyến Kuru để tìm Arjuna. Karna đẩy lui Bhìma. Năm anh em Kuru tấn công Bhìma nhưng đều bị bại.

NGÀY THỨ MƯỜI BỐN
Bhùrisiravas, hoàng-tử con vua Bàhikas tiến lên đấu với vua Sàtyaki, một thân-tộc của Krishna. Bhùrisiravas đánh Bàhikas ngã xuống đất rồi nắm tóc Bàhikas vừa lôi đi vừa đá vào ngực. Từ xa, Arjuna đang đánh với Jayadratha, thấy cảnh đó dương cung bắn đứt cánh tay phải của Bhùrisiravas. Bhùrisiravas vội ngồi xuống đất toạ-thiền, Bàhikas đứng dậy chém đầu Bhùrisiravas. Arjuna tấn-công Jayadratha dữ dội. Cha của Jayadratha là Vrddhaksatra vốn có lời nguyền rằng “ai chém đầu con trai ông, thì đầu người đó sẽ vỡ ra thành trăm mảnh”. Krishna lưu-í Arjuna lời nguyền đó, nên khi Arjuna chém đầu Jayadratha, thì ông bắn ra những mũi tên đưa đầu của Jayadratha vào lòng Vrddhaksatra đang tham thiền gần đó. Khi Vrddhaksatra ra khỏi trầm-thiền ông đứng dậy thì đầu của con ông rơi xuống đất vỡ thành trăm mảnh. Arjuna trả thù được cho con trai. Trận đánh ngày hôm nay kéo dài đến tối và hai bên phải đốt đuốc để tiếp-tục giao-tranh. Drona giết Drupada và cả con trai của Drupada là Viràta.

NGÀY THỨ MƯỜI LĂM
Cho đến ngày hôm nay đạo-đức hiệp-sĩ không còn nữa. Ngay cả Krishna cũng quên mình là hiện-thân hay sứ-gỉa của tinh-thần vô-thượng, tức thần Vishnu. Ông đề nghị lấy tên của Asvatthàman, con trai của Drona đặt tên cho một con voi trận rồi giết ngay trên chiến-trường. Cái tin Asvatthàman chết được tung đi, và trong lúc hỗn quân hỗn quan, Drona tưởng con mình tử-trận, ông yêu cầu Yudhisthira xác-định chuyện đó, vì ông tin Yudhisthira, với danh chính-pháp, không bao giờ nói dối. Nhưng lúc này đâu còn chuyện danh-dự nữa, nên Yudhisthira đã nói láo là Asvatthàman chết. Nghe tin, Drona buồn qúa để binh-khí xuống, tức thời Dhrstadyumana lướt tới chém đầu Drona, trả thù được cho cha là Drapuda. Drona chết rồi, Karna lên làm nguyên-soái thống lĩnh quân-đội Kuru.

NGÀY THỨ MƯỜI SÁU
Karna thách Yudhisthira giao-đấu. Nhưng trong lúc giao-tranh Yudhisthira lại một lần nữa chịu nhục bỏ chạy. Trong lúc ấy Bhìma xông tới Duhsàsana vì ông nhớ đến lúc Duhsàsana làm nhục Dràupadì. Bhìma xé xác Duhsàsana và uống máu trưóc ba quân, khiến chiến-sĩ đôi bên kinh-hoàng về hành-động của Bhìma.

NGÀY THỨ MƯỜI BẢY
Arjuna và Karna tử-chiến suốt ngày cho đến khi một bánh xe của Karna lún xuống bùn. Karna phải xuống chiến xa đẩy bánh lên, nhưng không thành-công.

*Thấy Arjuna dương cung ngắm mình, Karna khóc bảo: “Arjuna. Ta đang ỏ trên mặt đất. Chờ đã. Đừng hèn như thế!” Arjuna vẫn ngắm. Karna nhủ-thầm: “Ta nguy rồi.” Nói xong Karna nhẩy lên xe. Ông muốn dùng vũ-khí Sakti, nhưng không nhớ thần-trú Mantra. Ông đành dùng phi-tiêu Naikartana của thần Indra cho. Tức thới sấm dậy vang lừng trong khi trời xanh trong trẻo. Muông thú hoảng sợ bỏ chạy tứ tán. Karna ném phi-tiêu và hét lên: “Arjuna. Mày phải chết!” Mũi phi-tiêu bay sẹt lửa ra khỏi cánh, tăng thêm tốc độ xé không-gian, ngắm vào ngực Arjuna.
Ngay lập tức Krishna dậm chân cho chiến xa nghiêng sang một bên và để ngựa nằm xuống đất. Mũi phi-tiêu khủng-khiếp bay qua đầu Arjuna, mang theo ngọn lửa tiến về chòm sao bắc đẩu. Mũ trụ của Arjuna rớt xuống vỡ tan tành trên mặt đất. Mái tóc dài của Arjuna xoã xuống mặt và vai. Arjuna dương cung Gandiva, thì thầm: “Mong mũi tên này giết nó.” Arjuna bắn. Đầu mũi tên có hình trăng khuyết, sắc như dao cạo, mở ra như hai cánh tay. Mũi tên của Arjuna vừa bay ra thì Karna ngã xuống, đầu lìa khỏi cổ. Arjuna chiến-thắng, bước xuống xe lấy tấm vải trắng gói đầu Karna lại.
Từ xa Duryoddhana khóc: “Ôi, Karna ...”
Yudhishthira thúc chiến xa đến nhìn thây Karna. Ông bàng hoàng hỏi: “Ai đây?” Rồi ông quay qua Arjuna.
“Ta không thể ngờ là một chiến-tướng uy-dũng nhất thế-gian đã chết. Suốt mười ba năm lưu-vong không lúc nào ta không nghĩ đến Karna.”
Gió nhẹ nhàng đến hôn mặt đất và cỏ cây xanh tươi. Cái tĩnh-mịch của chiều hôm đã trở thành cái yên-lặng của đêm tối; và dưới vòm trời sao, xác của Karna đã trở nên cứng lạnh.*

Sau khi Karna tử-trận Salya lên làm tổng-tư lệnh quân-đội Kuru.

NGÀY THỨ MƯỜI TÁM
Tình-hình chiến-sự rõ ràng nghiêng lợi về phía anh em Pàndu. Còn lại một mình, Duryodhana bỏ chốn dưới hồ kế cận, vì ông có tài ngâm mình dưới nước rất lâu. Trong khi ấy trên chiến-trường, Sahadeva giết chết Sakuni, và Yudhisthira giết chết Salya. Trước tình trạng này Asvatthàman trở thành tư-lệnh quân-đội Kuru. Bhìma giết hết anh em Kuru, ngoại trừ Duryodhana đang tại đào. Anh em Pàndu tìm ra chỗ trốn của Duryodhana và thách đối thủ lên bờ giao-chiến. Mới đầu Yudhisthira định đấu với Duryodhana, nhưng Krishna khuyên: “Yudhishthira, ông là một người ngu. Lại còn bất cẩn nữa hay sao. Chỉ vì cái lỗi của ông nên chúng tôi khổ đấy.” Thế là Bhìma vác chùy sắt đứng dậy. Và đây là lời tường thuật của Sanjaya cho vua mù Dhrtarastra nghe.

*“Bhìma và Duryodhana hết đi vòng quanh, lại đứng yên, hết nhẩy tới lại nhẩy lui, lúc tấn vào lúc lùi ra, chập chờn uốn lượn. Duryodhana dùng chùy đánh Bhìma tới tấp đến nỗi không khí cháy khét lẹt. Áo giáp của Bhìma rơi xuống vỡ tan-tành như mây bị gió cuốn trong ánh nắng. Bhìma trợn tròn đôi mắt, lắc đầu, chống tay lên chùy sắt.
Duryodhana bàng-hoàng nhìn vẻ kiên-nhẫn lạ lùng của Bhìma. Bhìma với tâm bình-thản nhấc chùy lên, và trận đánh lại bắt đầu. Con trai của bệ-hạ (Duryodhana) chầm chậm lượn vòng quanh tìm chỗ sơ-hở của đối-phương. Nhưng Bhìma rất thận trong. Cả hai vung chùy sắt nặng như thế mà cứ nhẹ như thanh gươm của hạ-thần.
Thế rồi Bhìma làm cho con trai của bệ-hạ mất thăng bằng và lia chùy vào bên dưới. Duryodhana nhẩy lên tránh, thì Bhìma quất chùy lên đập trúng đùi Duryodhana. Duryodhana rơi chùy ngã xuống, nằm trên mặt đất như con rắn độc gẫy xương chờ chết. Một giây yên lặng thấm suốt rừng sâu .
Anh em Pàndu hò reo. Trống chiêng vang lừng không gian. Khi con trai bệ-hạ ngã xuống, mọi người run rẩy, hồ nước xanh trông như máu đỏ, đàn ông đàn bà trông lẫn lộn giống nhau. Duryodhana nói với
Balaràma, anh trai của Krishna:
Duryodhana: “Ta đã ngã, lời ông không nâng ta dậy được. Nhưng sao lại đưa ta tới chốn này?”
Balaràma: “Cánh-đồng Chính-pháp Kuru?”
Duryodhana: “Phải!”
Balaràma: “Hàng trăm năm về trước, tổ của ông, vua Kuru cầy ở cánh-đồng này, không có nước mà cũng không gieo hạt giống. Thần Indra thấy lạ hiện ra hỏi tại sao vua Kuru bước trên cát bụi thay vì an-dưỡng nơi nhà mát trong vườn vương-giả ở kinh-thành Hastinapura. Vua Kuru trả lời: “Kinh-đô không bằng đây.” Thần Indra nói: “Đây chỉ là một bát cát bụi.” Vua Kuru trả lời: “Không phải. Đây là bãi chiến-trường đưa con người thể-nhập với Trời.” Thần Indra nói: “Đây là hoang-dã. Thời giờ của đại-vương qúi hơn là làm chuyện này [...]. Với lại, sát-nhân không tốt, và chiến-tranh là tội-ác. Đâu là cánh-đồng dành cho những kẻ giết vua?” Vua Kuru trả lời: “Bạch Đức Thế-tôn, tôi sẽ đưa gia-đình vào ở trong rừng, nơi không hề có sách-sử.” Tối hôm ấy thần Indra lại hiện ra trước mặt Kuru. Nhà vua mời thần ngổi xuống cạnh mình. Thần Indra trả lời: “Không. Ta chỉ đến hát cho đại-vương nghe một bài ca. Hát xong, thần Indra cúi đầu chào rồi biến mất.”
Bhìma: “Có phải là bài ca “Một bát Cát-bụi” không?”
Balaràma: “Phải.” Nói xong ông phất tay gọi gọi xe, và tiếp lời: “Sao không chết ở một nơi khác!”
Sau khi Balaràma đi rồi, Krishna nhìn Duryodhana.
Krishna: “Ta tha lỗi cho ông.”
Duryodhana: (Nổi-giận, chống hai tay xuống đất kiễng người lên) “Thằng nô-lệ. Mày là con thằng nô-lệ. Mày nhờ điếm đàng mới thắng!”
Krishna: “Vì ông theo đuổi dục-thú, nên mọi người đã chết vì ông.”*

Duryodhana sắp chết xin Asvatthàman tiêu diệt anh em Pàndu cho mình. Asvatthàman thề sẽ thực hiện í nguyện của Duryodhana. Ông bàn với Krpa và Krtavarrman là ban đêm lẻn sang trại đối-phương để ám-sát anh em Pàndu (phạm luật). Krpa và Krtavaman không tán-thành í-kiến ấy, nhưng chỉ đi theo và đứng chờ ngoài trại. Asvatthàman giết Dhrstadyumna, Sikhandin, Uttamàujas, Prativindhya, Sutasoma, Satànìka và Srutakìrti khi những người này đang ngủ. Kế đến, Asvatthàman giết luôn năm đứa con của bà Dràupadì, và dùng ma-thuật giết hài nhi chưa sinh là Pariksit còn trong bào thai của vợ Abhimanyu. Nhưng nhờ phép của Krishna, Pariksit sống trở lại. Asvatthàman mang đầu năm đứa nhỏ Pàndu về cho Duryodhana và bảo là đầu của năm anh em Pàndu. Duryodhana biết rõ không phải nên chửi Asvatthàman là đã giết hại trẻ con vô-tội. Chửi xong ông chết.

Anh em Pàndu trở về trại thấy cảnh thảm-sát đó bèn đuổi theo Asvatthàman. Bhìma đánh ngã Asvatthàman. Asvatthàman vội tháo viên ngọc gắn trên trán ra dâng cho Bhìma để xin tha chết. Bhìma đem ngọc về tặng cho Dràupadì. Dràupadì đưa cho Yudhisthira để ông gắn vào vương-miện của mình. Chiến tranh kết-liễu. Phía Kuru chỉ còn ba người sống sót. Đó là Krpa, Asvatthàman và Krtavarman. Phía Pàndu mất năm người con. Xác của các chiến-sĩ hai bên được tẩm-niệm với nước hoa và chất lên thành một dàn cao hoả-táng. Vua Dhrtaràstra khóc than cho một trăm đứa con của mình tử trận. Yudhisthira bi thương không kém. Ông thốt lời than:

*“Đối với ta vinh-quang này là một thất-bại lớn lao!
Chúng ta chỉ có một kẻ thù mà thôi. Kẻ thù đó là sự ngu-si.”*
Nhưng nhận-xét của Krishna cũng “bi-thương” không kém, khi ông trả lời Yudhisthira:
“Ông là một người hiền và lại biết điều, nên con người không kính-trọng ông.
Đừng băn-khoăn khi đã làm xong bổn-phận. Phúc-họa theo nhau.
Có kẻ nghĩ họ giết người, có kẻ lại nghĩ họ không giết.
Đó là miệng-lưỡi thế-gian.
Còn chân-lí là gi?
Chân-lí như cỏ rơm phủ lên miệng hố.
Bổn-phận của ông cũng vậy, chỉ là cái mặt nạ lừa dối mà thôi”*

Ngay sau khi trận đánh cuối cùng kết-liễu, anh em Pàndu đến ra mắt thúc-phụ, tức vua mù Dhritarashtra, cha của một trăm anh em Kuru, tất cả đều tử-trận.

*Yudhishthira: “Tâu Thánh-thượng, các vị hoàng-hậu, công-nương trước kia vẫn an-ủi nhau vì những mất mát nho nhỏ, nay chỉ biết cúi đầu nhìn chân của mình.”
Dhritarashtra ôm Yudhishthira: “Bây giờ các cháu là con của ta. Đâu còn buồn nữa phải không? Các em của cháu có đến đây không?”
Krishna: “Có!” Ông vội vàng giữ Bhìma lại và đặt trước mặt vị vua mù một pho tượng sắt Bhìma làm ra để cho Duryodgana tập chùy, rồi thưa: “Tâu Thánh-thượng, Bhìma đây!”
Dhritarashtra ôm pho tượng sắt ngỡ là người thật. Bỗng nhiên lòng thù hận của ông cuồn cuộn nổi lên, ông nghiền pho-tượng sắt nát ra thành từng mảnh. Ngực ông trầy da chảy máu. Sanjaya vội bước tới cạnh công: “Đừng làm như thế!”
Dhritarashtra khóc: “Ta đã giết nó rồi. Bây giờ ta phải làm gì hở Sanjaya?”
Sanjaya lấy nước rửa mắt và máu trên ngực vua: “Xin Bệ-hạ an tâm. Krishna biết í của Bê-hạ cho nên đã đề pho tượng sắt trước mặt Bệ-hạ. Cám ơn Krishna. Bây giờ Bhìma đến với Chúa-thượng đi. Đừng sợ gì cả.” Vua Dhritarashtra ôm Bhìma, Arjuna và hai người em sinh đôi. Ông ban phép lành cho họ. Yudhishthira qùi trước hoàng-hậu Gandhari thưa: “Thưa hoàng-hậu, thần là Yudhishthira. Ai chỉ thấy người khác ngu-si mà không biết chính mình ngu-lậu; ai trách lỗi người khác mà không biết lỗi mình; trước khi chết yêu thương và thù hận cũng không còn, nên người ấy mới nghĩ đến tha-nhân. Thôi bây giờ mặc tình hoàng-hậu. Nếu hoàng-hậu muốn nguyền rủa thần xin hãy nói đi.”
Nghe Yudhishthira nói thế, Dràpadì bảo Krishna: “Để ta gặp hoàng-hậu!” Nhưng Krishna giữ Dràupadì lại: “Đừng. Khoan đã!”
Hoàng-hậu Gandhari quay ngoắt đi, nhưng qua lớp mạng che mặt của bà một tia nhìn phóng ra làm cháy đen đầu một ngón chân cái của Yudhishthiara. Bà nói: “Cút về với Kuntì ngay! Nhưng Dràupadì ở lại với ta một chút.” Cả hai bà hoàng-hậu ôm nhau khóc. Krishna đến ngồi cạnh Sanjaya và vua, với giọng êm đềm ông nói: “Một nghìn sáu trăm sáu mươi triệu và hai mươi nghìn người chết trong cuộc chiến này. Để tôi kể danh tính từng người ...[vì con số này nhiều hơn quân-đội hai bên, cho nên ta đoán là kể cả thường dân]
Hiền-nhân sinh con trai cho đạo cả,
Ngựa sinh con để con chạy nhanh,
Công-nương sinh con trai để con trai bị giết sa-trường.
Yuyutsu kéo xác Duryodhana lên dàn hỏa, và nói với thây ma như nói với người còn sống: “Ai sinh ra với nghiệp đao cung bây giờ nẳm yên trong lửa, cháy theo dục-vọng mà đi. Chinh-phụ đã từng bẽn-lẽn ôm chồng trong lúc riêng tư, bây giờ chắp đầu chồng vào thân-thể tay chân và nói: “Không phải!” hoặc là thì-thầm: “Bàn tay này vẫn thuờng cởi áo quần tôi, vẫn thường sờ vú sờ đùi tôi, vẫn thường bảo vệ bạn bè và tiêu diệt kẻ thù.” [...] Ông đã đoạt vương-quôc của Yudhishthira bằng trò sóc-đĩa, thì bây giờ Bhìma lấy mạng ông.” Yuyutsu châm hỏa đài. “Thôi, bây giờ hãy nằm tromg lửa dục-vọng của con tim! Ông đang ở trên trời. Ở trên đó ông đừng thù-hận với anh em ông nữa. Họ đều tin-tưởng ở ông.”

Theo tiếng Vyasa gọi hồn bước ra khỏi thiên-giới, từ sông Hằng có tiếng ngựa xe, vũ-khí và tiếng chiến-sĩ gọi nhau. Một đạo binh đông tới cả nghìn người đã bỏ mình trên chiến-địa Kurukeshetra, dẫn đầu bởi Drona, đang bước ra khỏi giòng sông phân chia đôi ngả cho hai cánh quân, không còn lòng hồ-nghi, không còn lời nguyền rủa, và cũng không có hận-thù. Họ mặc quần áo tiên. Trong họ không có lòng ganh-ghét lẫn từ-tâm. Họ đi vào giải sông Hằng trước khi hừng sáng.

Đó là một đêm đẹp tuyệt vời. Không khí mát mẻ trong lành, bầu trời lâng lâng. Các dàn hỏa thiêu rực sáng, nhưng không có khói, hiện ra trong lớp sương mù mong manh trên sông. Dràupadì và Arjuna đơn độc trên chiến-trường suốt đêm. Họ ôm nhau trong yên lặng. Dràupadì ngắm bầu trời dựng sáng và những vì sao đang nhạt nhòa. Nàng cởi bỏ nữ-trang trên thân-thễ tay chân để khi bước đi không gây tiếng động. Dràupadì nói:

“Arjuna – chúng mình còn sống!”*
Lửa hùng chở tới miền Cực-lạc
Đời tang-thương nay hết buồn đau
Cõi người trả lại về sau
Thành ra mây khói muôn mầu trần-gian.
Duy hiện-hữu vô-vàn ơn-phước,
Thọ vô-cùng sánh đức càn-khôn,
Ngửa trông lên cõi non-bồng,
Hình vua chúa áng mây hồng nổi-trôi.
Tay đập xuống cõi người lần nữa
Nằm yên nghe đất đá hồi âm
Tuy còn mang nặng tình-thâm
Linh-hồn vô-thể định-tâm trên trời.
Dù gai góc mặt đời chua chát,
Tình yêu-thương chan-chứa triền-miên
Tinh-thần sáng-tạo vạn-niên
Huy-hoàng để tiếng lưu-truyền thế-gian. 1

Sau đây là đoạn trích lúc Bhìsma lìa đời, tức là sau khi chiến-tranh kết-thúc.

*Bhísma mở mắt, cụ thấy chung quanh mình là anh em Pàndu, Sanjaya, Dhritarashtra, Krishna, Vyasa, Satyaki, Yuyutsu, Prpa và Vidura. Họ bước chung quanh một vòng rối ngồi xuống.Yudhishthira để đầu vào chân tổ-phụ. Bhìsma cất tiếng.
“Yudhishthira. Chào cháu. Hãy lại gần ta hơn nữa.”
“Cháu sợ tổ nguyền rủa cháu!”
“Bharata. Ta không nguyền rủa. Ta ban phước cho cháu. Ai không thấy chòm Bắc-đẩu, hoặc không thấy mình trong đôi mắt của người khác, thì chỉ sống được có một năm thôi. Ai sợ sêt thì chỉ sống được có sáu tháng thôi. Ai thấy mặt trăng có nhiều lỗ như mạng-nhện, hoặc ngửi thấy mùi tử khí trong đền đài, thì người đó chỉ sống được một tuần. Cháu hãy lại gần ta hơn nữa. Các cháu đều là Pàndavas (Pàndu) cả. Vũ-trụ còn sinh, thì các con còn sống trong cõi người. Ta ban phúc cho các cháu, đừng sợ gì cả.”
Anh em Pàndu lại gần, Bhìsma ngửi đầu họ, như thủa họ còn bé thơ, rồi cụ nói: “Ta là mặt trời chiều, với tia sáng vút tỏa ra.” Lão-tướng nhắm mắt yên lặng và chung quanh mọi người ngồi yên như những hình-ảnh trong tranh.
Sashadeva nhìn mặt trời và thấy nó bắt đầu nghiêng về phương bắc. Ông nói: “Ngày mặt trời xa nhất!”
“Tổ-phụ ơi, cháu là Yudhishthira. Nếu tổ còn nghe cháu nói thì xin cho cháu biết cháu sẽ phải làm gì cho tổ?”
Mắt vẫn nhắm, Bhìsma nói: “May qúa các cháu đều ở đây. Ta chào các cháu. Chào Krpa, Vidura, Dhritarashtra, Yuyutsu, Sanjaya, Satyaki, Vyasa ... Krishna, hãy lại đây.”
Krishna sát lại. Bhìsma thì thầm:
“Ta đã bảo họ, ở đâu có chân-lí thì ở đó có nhà ngươi, và ở đâu có vinh-quang thì ở đó có chân-lí. Chào con người đáng yêu Krishna.”
“Chào Bhìsma!”
Lúc này Bhìsma đã yếu lắm, đôi môi chỉ còn mấp máy. Krishna phải cúi xuống thêm để nghe những lời cuối cùng.
“Ngươi là cái bao của vũ-trụ;
Ngươi ôm vũ-trụ với tình yêu trong đôi tay ...”
Qua vương-miện đội trên đầu Bhìsma năm nguồn sống vụt ra như sao băng trên trời. Các mũi tên và những vết-thương trên thân-thể cụ đều biến mất. Krishna nhẹ nhàng đặt cụ xuống đất, tức thì vết tích chiến-tranh trên cánh đồng thiêng không còn nữa, thay vào đó súc-vật thung dung qua lại, chim gây tổ hoà-bình, và trên cánh đồng gío thoảng đưa hương. [...]

Tro của Bhìsma được đổ xuống sông Hằng. Khi tro rơi xuống, mặt nước sôi lên tung tóe, ghềnh bỗng nổi lên, sóng bổ vào nhau, ồn ào chấn động. Từ đó, buồn bã với thương đau, nữ-thần xinh đẹp sông Hằng hiện lên. Mỗi giọt nước mắt của nữ-thần rơi xuống sông là mỗi đoá hoa sen lờ lững trôi đi. Nàng qùi bên sông, úp mặt vào hai bàn tay, vai rung động.

Arjuna vội đến bên ôm nàng an ủi: “Sao Nữ-thần lại khóc cho một người tuyệt vời như thế?”
“Ta sẽ không bao giờ còn thấy con ta. Ai còn hơn con ta để cho con ta sống lại? Tro của con ta đang ở trong miệng ta đây.”
“Xin Nữ-thần hãy mở mắt ra và bay về trời. Xin Người hãy nhớ đến chúng tôi, và cho phép chúng tôi lui bước.”

Gió se-sắt thổi
Cỏ cao cúi đầu
Gió sắc như tên
Cỏ cao phải chịu
Cho gươm chặt đầu.

Với những lời thơ trên chấm dứt Anh-hùng Ca Màhàbharata.
Cả chục năm trước, đôi khi tôi quên rằng tôi không fải là một nhà thơ, cho nên có lần tôi đã thử lấy í-chính trong Chí-tôn Ca và tài-liệu trong Anh-hùng Ca Màhàbharata, để thi-hóa Chí-tôn Ca. Zĩ nhiên không thành vì chuyện này không zễ ngay cả đối với một nhà thơ lỗi-lạc. Tôi chép lại đây bốn câu mở-đầu và tám câu kết-luận, như sau:



Vua DRITARASHTRA:
Trẫm mù-loà , jà nua, thô lậu
Trong điện-vàng ngày tháng triền-miên.
Trẫm nge trên Cánh-đồng Thiêng,
Chiến-tranh mang cả thần-tiên xuống trần.
[…..]
Thi-jả SANJAYA:
Nhờ ơn-sủng Vi-sa tế-độ,
Nên hạ-thần thấy rõ chân-như
Những lời bàn ở Thánh-thư
Nhiều khi ngĩ lại tâm-tư bồi-hồi!
Ôi sung-sướng ơn Trời bất-hủ
Ước mong rằng cung-thù Bi-tha
Ở đâu có áng can-qua,
Thì thanh-bình đến nở hoa lòng người.


Thứ Tư, 5 tháng 9, 2012

Tông Đản không phải là Nùng Tôn Đán?


(hình ảnh mượn trong bài Những biến cố lịch sử liên quan đến Việt Nam của tác giả Trần Việt Bắc)

Thông tin gần như chính thống của sử việt cho rằng đại tướng Tông Đản đánh Tống thời Lý là người Nùng.

Tuy nhiên một sự thật là nhân vật Tông Đản người Nùng này lại nhiều lần theo Tống phản lý.

Hoàng Xuân Hãn trong sách Lý Thường Kiệt viết:
Sử sách Tống viết Nùng Tông Đán là người Nùng khá hiệt liệt, đã từng vào cướp đất Tống, sau theo Tống làm đến trung vũ tướng quân ở Ung Châu. Y từng bỏ Tống rồi theo Tống nhiều lần. Sử ta thì có nhắc đến Tông Đản lãnh đạo quân khê động theo Lý Thường Kiệt đánh sang Tống (hiện nay còn có phố Tông Đản ở Hà Nội), nhưng rất sơ sài. Hai âm Đản và Đán lại gần như nhau, không biết hai người có phải là một không?
Sách Tống còn nói các con của Tông Đán đều theo Lưu Kỷ, phải chăng Tôn Đản là một trong những người con của Tông Đán?
Thêm nữa, sử Việt như Toàn thư đều viết lãnh đạo quân khê động có Tông Đản, Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn, Thân Cảnh Phúc (phò mã)... tức là đều đưa Tông Đản lên đầu. Nhưng Tông Đản cuối cùng là ai? sử đều không nói rõ. Theo thiển ý của người chép thì người lãnh đạo quân khê động chính là Lưu Kỷ, nhưng sau này bọn Lưu Kỷ, Hoàng Kim Mãn lại bỏ Lý theo Tống, nên sử gia Việt đời sau đưa Tông Đản lên cho đẹp đoạn sử này chăng?

Sách The Rebel Den of Nùng Trí Cao, tác giả James Anderson, năm 2007. Trang 121-122:
Nùng Tông Đản là người trong họ tộc với Nùng Trí Cao, sau khởi nghĩa của Trí Cao thất bại 1052-1054, Tông Đản thống lãnh lực lượng còn sót lại của họ Nùng. Tông Đản và bộ thuộc cùng họ tộc của Trí Cao qui hàng Tống Triều, đem các động dưới quyền Lôi Hỏa, Kế Thành qui thuận nhà Tống. Các đất này bị nhập vào châu Shun'an (Thuận An?) của Tống. Tuy vậy Tông Đản trên tiếp tục quản lý các đất này, và như vậy theo tác giả dẫn lời Hoàng Xuân Hãn, nhà Lý trên thực tế tiếp tục giữ chủ quyền tại đây. Năm 1062, Nùng Tông Đản xin đem đất các động dưới quyền mình nội thuộc Tống, vua Tống chấp nhận.
Năm 1065, Tông Đản cùng Lưu Kỷ, thủ lĩnh châu Quảng Nguyên lại trở cờ theo Lý. Như vậy tới năm 1069 trong hàng ngũ các bộ tộc Nùng có sự chia rẽ, một bộ phận ủng hộ Tống gồm Lư Báo-tướng cũ của Trí Cao, và Nùng Trí Hội, em Trí Cao, bộ phận kia gồm Tông Đản và Lưu Kỷ theo Lý.
Tuy nhiên xét chữ Đản và Đán trong Tống sử thì có thể có 2 nhân vật: Đại Tướng Tông Đản nhà lý vai vế ngang với Lý Thường Kiệt là người dẫn cánh quân thứ 2 đánh Tống và tù trưởng người Nùng là Tôn Đán nhiều lần phản Lý đầu Tống
Tống sử quyển 487: "Ngoại quốc truyện, Giao-chỉ, Đại Lý" viết tên của Tôn Đản là: " 宗亶". Tôn Đản là đại tướng của Đại Việt mang quân đánh Tống.
Tống sử, quyển 495 "Man-di truyện, Quảng-nguyên châu ..." viết tên của (Nùng)Tôn Đán là: "宗旦", động chủ (quan thổ ty) của Lôi Hoả động đã theo Tống. Nguyên văn: "侬氏又有宗旦者,知雷火洞,...", phiên âm Hán Việt: " Nông thị hựu hữu Tôn Đán giả , tri Lôi Hỏa động".
Ngoài ra nếu Nùng tôn Đán chỉ là tù trưởng bộ lạc đã từng phản Lý đầu Tống thì không có chuyện : "Vua phong cho Tông Đản chức Lang Trung tướng quân, triệu về kinh thành Thăng Long làm Đô quân thống lĩnh ngự tiền sử- ĐVSKTT "

Một chức quan to trong triều như vậy "ngự tiền sử" không thể do một tù trưởng ngoài biên ải kiêm nhiệm. Cũng như vai trò của cánh quân thứ 2 do đại tướng Tông Đản phạt tống là hết sức to lớn (quân chủ lực đi vây Ung Châu) quân của Tông Đản là lực lượng bộ binh chủ lực, quân của Thường Kiệt là Thủy quân . Xét như thế thì nên xem xét lại nguồn gốc của đại tướng Tông Đản thời lý liệu có phải là tù trưởng Nùng Tôn Đán hay không ?!?

Thứ Ba, 4 tháng 9, 2012

Bài ca chuột chù

Đây kể chuyện nhà Chu kể từ khi Cơ Phát khởi nghiệp phạt Trụ dựng nên nghiệp Thiên tử truyền xuống đến Chu Lệ Vương tổng cộng là 10 đời. Triều đình nhà Chu lúc này bạo nghịch lại ham hưởng lạc nên quý tộc mặc sức bóc lột nhân dân. Cả nước nhân dân ca thán không ngớt. bọn trí sĩ lại đặt ra bài ca "Chuột chù tham ăn" để lên án bọn quý tộc tham lam. Lệ Vương lấy đó làm lo. Một học sinh có tên Dương Văn Cù đoán được ý thiên tử bèn viết tấu chương dân lên, trong đó đại khái khuyên triều đình nên ngăn cản dân chúng hội họp, nghiêm cấm việc bàn tán việc quốc gia. Lệ Vương xem xong thấy đẹp lòng mới bàn với đại thần là Thiệu Công Bá, Thiệu Công cho rằng không nên. Lệ Vương không nghe, lại giao cho kẻ tâm phúc đi dò la trong nhân dân xem có ai tụ họp thì tố cáo để trừng trị. Quả nhiên nhân dân khiếp sợ ra đường chỉ dám nhìn nhau không dám chào hỏi. Lệ Vương lấy làm đắc ý mới hỏi ý Thiệu CÔng thấy thế nào, Thiệu Công than rằng " Than ôi, bịt miệng dân như bịt dòng nước lớn, là việc không nên làm, nếu để lâu ngày sẽ gây họa lớn". Quả nhiên về sau dân trong kinh thành khởi loạn, Lệ Vương phải chạy ra trốn ở đất Di, Vương Triều nhà Chu lao đao, suốt 14 năm không có vua, chính sự mục rỗng không còn khôi phục được nữa.