Ảnh

Ảnh

Thứ Hai, 7 tháng 12, 2015

Xem "năm sinh", xem "hướng nhà", xem "số đo cửa", là bởi vì đâu?

(mến tặng các đồng nghiệp)

1/ Khởi nguồn từ một quyển sách Bói

Kinh Dịch - một sách dùng để Bói toán, nguồn gốc của nó có thể từ cuối đời Ân, 1.200 năm trước Tây Lịch. Sách không do một người viết mà do nhiều người góp sức trong một ngàn năm, từ Văn Vương nhà Chu mãi đến đầu đời Tây Hán nó mới có hình thức gần như hình thức ngày nay chúng ta được biết. Từ xưa đến nay, trên 2.000 năm, thời nào cũng có người tìm hiểu nó thêm, đem ý riêng của mình và tư tưởng của thời đại chiếu vào nó, khiến cho ý nghĩa và công dụng của nó mỗi ngày một nhiều và một xa nguồn gốc ban đầu.

Mới đầu nó chỉ là sách bói, tới cuối đời Chu thành một sách triết lý tổng hợp những tư tưởng về vũ trụ quan, nhân sinh quan của dân tộc Trung Hoa thời Tiên Tần; qua đời Hán nó bắt đầu có màu sắc tượng số học, muốn giải thích vũ trụ bằng biểu tượng và số mục, tới đời Ngũ Đại nó được dùng trong môn lý số, đời Tống nó thành lý học.

Môn "dịch học" dựa trên thuyết âm dương , trên một vạch liền __ tượng trưng cho dương, một vạch đứt _ _ tượng trưng cho âm, hai vạch đó chồng lên nhau, đổi lẫn cho nhau nhiều lần thành ra tám hình bát quái, rồi tám hình bát quái này lại chồng lẫn lên nhau thành sáu mươi bốn hình mới: Lục thập tứ quái . Dùng sáu mươi bốn hình này, người Trung Hoa diễn được tất cả các quan niệm về vũ trụ, về nhân sinh, từ những hiện tượng trên trời dưới đất, những luật thiên nhiên tới những đồ dùng, những công việc thường ngày như trị nước, ra quân, trị nhà, cưới hỏi, ăn uống , xử thế...

Vì dịch học chỉ xây dựng trên 64 quẻ do hai vạch âm, dương chồng lên nhau, đổi chỗ cho nhau ba bốn lần mà thành, cho nên nó có một sức hấp dẫn lạ lùng, ai cũng tò mò muốn biết, mà những người có óc tưởng tượng dồi dào có thể dễ dàng cho mỗi quẻ một ý nghĩa mới, giảng mỗi quẻ theo vũ trụ quan, nhân sinh quan của mình, ý nghĩa đó càng huyền bí thì lại càng có vẻ thâm thúy,; do đó mà không một danh nho nào từ đời Hán đền đời Thanh không tìm hiểu Kinh dịch, hiệu đính, chú thích và một số đã tạo cho nó một nội dung mới khác xa nội dung thời Văn Vương, Chu Công. Nó gần thành một thứ khoa học biến hoá theo thời đại.

2/ Dịch học sinh ra Tử Vi đẩu số

Đời Bắc Tống, một đạo sĩ tên là Trần Đoàn, hiệu là Hi Di, sáng tác “dịch đồ” cho rằng bát quái gốc ở Hà Đồ, đưa dịch học vào một nẻo mới, nẻo thuật số (tức thuật đoán số mạng).

Ông đặt ra môn Bát tự Hà Lạc và Tử vi đẩu số chuyển can chi của ngày tháng, năm sinh thành những con số rồi chuyển số thành quẻ, để đoán vận mạng con người. Sau này môn Tử vi đẩu số phát triển mạnh, lan truyền trong nhân gian

3/ Dịch học kết hợp với môn Phong Thủy

Trần Đoàn còn đem Dịch học kết hợp chặt chẽ với với Môn Phong thủy, là một thuyết chuyên nghiên cứu sự ảnh hưởng của địa thế, hướng gió, mạch nước, vị trí mồ mả, bố cục kiến trúc đến đời sống hoạ phúc của con người.

Sự kết hợp Dịch lý (Bát quái) và Tử vi đầu số ( năm sinh) với hướng Nhà, hướng cửa làm phát sinh thêm các phái Bát Trạch, Huyền Không,... Làm cho Dịch lý và môn Phong thủy càng thêm màu sắc huyền bí. Ngoài ra, Phong thủy còn tuân theo nguyên tắc Ngũ hành, thâm chí là Sinh, Lão, Bệnh, Tử (Phật giáo?) , và một số nguyên tắc dân gian khác khiến cho sự diễn dịch của các "Thầy" càng thêm rắc rối.

4/ Riêng về cửa, phải theo Cụ Lỗ Bang

Cụ Lỗ Ban tương tuyền sống ở nước Lỗ vào thời Xuân Thu. Cụ giỏi nghề mộc đến mức thành thánh nhân. Sau khi cụ tịch ko viết lại sách gì, chỉ để lại vài dụng cụ truyền cho đệ tử, trong đó quý nhất là cây thước Lỗ Ban. Trong đấy cụ có Note sẵn những con số được xem là tốt, có ích, đem lại trật sự, hài hòa và phát triển.

Người Trung Quốc thờ cúng Lỗ Ban (nên có giỗ Tổ nghê mộc) và hay nhờ cụ độ giúp cho thành đạt trong công việc. Cách hay nhất và dễ theo nhất là cứ áp dụng các con số trong Thước tương truyền do cụ để lại.

Thước nguyên thủy có chiều dài khoảng 42,9 cm. Hiện nay các loại thước dây Xây dựng đều in kèm số Lỗ Ban (màu đỏ) như vậy, suốt chiều dài cây thước kéo, loại 5 mét chẳng hạn, chỉ là một sự lập đi lập lại hơn 11 cây thước Lỗ Ban. Dùng Lỗ Ban thì phải lưu ý hàng dưới dùng đo Mặt đất (Thổ), mặt trên dùng do Bếp, cửa này nọ (Mộc).

4/ Phong thủy ứng dụng: dùng như thế nào?

Theo quy tắc : theo các Nội dung cơ bản đã dẫn ở trên. Bất quy tắc : cứ làm ngược lại.

Thật vậy, ngày nay khi thực hành Môn Phong thủy, ta thường xuyên bắt gặp trường hợp 2 thầy Phong thủy cho hướng dẫn trái ngược nhau 180'. Bởi vì nội dung của môn Phong Thủy quá rộng, sự hướng dẫn tùy theo từng trường phái, tùy thuộc các "Thầy" dùng sách nào để áp dụng.

Một trường hợp là xét phong thủy của Căn hộ chung cư, ở đây bắt gặp sự lúng túng. Vì Căn hộ nằm ở tầng cao (có khi rất cao) trên mặt đất, nếu áp dụng các quy tắc xưa dùng cho địa thế hướng đất của nhà e rằng không ổn.

Một ví dụ khác là quy tắc xếp số bậc Thang theo Sinh- lão- bệnh- tử có công thức (4xn+1) nhưng nếu xét từng vế Thang cho từng sàn thì đúng nhưng dùng cho Tổng số bậc thang trong cả Nhà thì sai.


Khi áp dụng Lý số vào Phong thủy cũng vậy, xem ngày tháng năm sinh cho gia chủ. Nhưng gia chủ có khi là một người (chồng hoặc vợ), có khi cả chồng lẫn vợ, hoặc có khi phải xét ngày tháng năm sinh của cả đại gia đình (?).

Xem địa thế đất, hướng nhà, hướng của cũng tùy... Ngày xưa các cụ xây nhà trên khu đất rộng , có tầm nhìn ra núi, ra sông. Ngày nay nhà xếp theo quy hoạch, nhà trong hẻm, nhà phân lô bán sẵn,... nếu cứ quay hướng Cửa, hướng giường, hướng bếp theo quy tắc nhiều trường hợp hoàn toàn bất ổn về mặt công năng sử dụng.

Rắc rối như thế, nhưng ở trên là những ví dụ ứng dụng theo quy tắc Dịch lý, trong thực tế còn rất nhiều quy tắc theo kiểu truyền miệng. Kiểu này thường là kiểu khó đỡ nhất. Ví dụ như hình ảnh lan truyền trên mạng về Cổng nhà giống chữ "L ngược" trong vụ án Bình Phước gần đây. Được lý giải rằng chữ "L ngược" giống hình ảnh cái Liềm treo ngay cổng vào, chủ nhà tất bị mạng vong. Dân mạng muốn câu view, tăng like nên truyền nhau Share thông điệp trên mà không biết rằng việc ấy khiến rất nhiều KTS phải khốn khổ vì phải chỉnh sửa thiết kế gấp vì tâm lý lo sợ của chủ đầu tư. Thậm chí công trình đang xây mà có chi tiết nào giống chữ "L", dù không ngược cũng phải đập bỏ, chỉnh sửa.

Vậy thái độ của ta nên thế nào cho phải phép. Đâu là Cơ sở khoa học, đâu là truyền thống dân gian, đâu là mê tín. Ông bà ta có câu : "có thờ có Thiêng, có Kiêng ắt có lành", nghe hơi ba phải nhưng thực tế cuộc sống đôi khi người ta chỉ cần như vậy là đủ.