Ảnh

Ảnh

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2013

Hãy bỏ án tử hình


Đặng Đình Cung

Chúng tôi kêu gọi những nhà lập pháp nước ta bãi bỏ án tử hình và ghi điểm này trong Hiến pháp. Trong khi chờ Quốc hội thông qua quyết định bãi bỏ án tử hình, chúng tôi xin Chủ tịch Nước, dựa trên khoản 12, điều 103 cuả Hiến pháp 1992 để quyết định đặc xá, đổi án tử hình thành tù chung thân cho tất cả các phạm nhân hiện đang chờ bị hành quyết.

Đời sống của mỗi người phải được tôn trọng vì đời sống con người là thiêng liêng. Tôn trọng sự sống nâng con người lên trên hàng những con thú. Đây là một quan điểm tuyệt đối. Không ai có quyền giết người kể cả khi phải thừa lệnh cấp trên. Không một quyền lực nào, thông qua quy trình xét xử nào, có quyền quyết định sự sống chết của một con người. Án tử hình vi phạm đến quyền cơ bản của con người. Nó là một hình thức trừng phạt tàn bạo nhất, bất nhân nhất và đê tiện nhất.

Dù dưới hình thức nào chăng nữa, giết một người không phải là một hành động nhân đạo. Giết một phạm nhân là không cho người đó khả năng chuộc tội, sửa lỗi, ăn năn và cải thiện. Giết một phạm nhân là vĩnh viễn ngăn cản xã hội có cơ hội cải tạo một người xấu thành một người tốt. Một trọng tội tạo ra một số nạn nhân làm đau khổ gia đình bạn bè của các nạn nhân đó. Nhưng một phạm nhân đã bị hành quyết cũng để lại một gia đình và một số bạn bè. Giết một phạm nhân là cộng thêm một nạn nhân nữa làm thêm một số người khác đau khổ. Ngoài ra, những nghiên cứu về tâm thần học đã chứng minh rằng đao phủ và những người phải chứng kiến một vụ hành quyết cũng bị tác động tâm lý có thể dẫn đến sự điên cuồng.

Hệ thống tư pháp có thể sai lầm. Nếu đã giết một người rồi sau đó nhận thấy người đó bị xử oan thì không thể sửa chữa lại được nữa. Hệ thống tư pháp không công bằng. Người giầu mạnh có khả năng thuê người bào chữa giỏi trong khi đó kẻ hèn yếu thì có ít khả năng bào chữa hơn. Hệ thống tư pháp cũng không kiên định. Một tội được xét là đáng xử tử tùy nơi và tùy thời điểm lịch sử. Thời Trung cổ bắt một con thú trong rừng một chúa tể là bị xử tử. Thế kỷ trước, chống lại ý kiến của Stalin là bị xử tử. Thời Pháp thuộc ở nước ta buôn nha phiến là độc quyền của Nhà nước Bảo hộ, nhưng bây giờ thì buôn nha phiến ở Việt Nam và vài nước khác là có thể bị kết án tử hình. Ở đa số các nước, nếu bị kết tội hối lộ hay tội trốn thuế thì phải trả lại thiệt hại của Nhà Nước và lãnh vài tháng đến một hai năm tù. Với tội danh này ở Việt Nam hay ở Trung Quốc thì có thể bị kết án tử hình. Với những yếu kém đó của ngành tư pháp thì tại sao lại có thể thi hành một án không thể thay đổi được nữa ?

Công lý có chức năng bảo đảm an ninh hài hòa cho xã hội chứ không có chức năng trả thù. Giết chết một phạm nhân là một hành động trả thù. Giết chết một phạm nhân không phải là một giải pháp bảo vệ xã hội vì hành động này là một bạo lực và một bạo lực bao giờ cũng sinh ra bạo lực khác. Có người gây trọng tội vì tình, trong một tình huống người đó không thể suy nghĩ một cách lô–gíc. Những nghiên cứu về tội phạm học cho thấy tỷ số trọng tội giảm khi tỷ số tội phạm được làm sáng tỏ gia tăng và hệ thống tư pháp xử công minh, mau chóng và nhất quán còn án tử hình thì không có tính cách can ngăn như nhiều người tưởng. Các nhà khoa học nhận thấy những tiểu bang Mỹ đã bãi bỏ án tử hình (abolitionist States) có tỷ số trọng tội ít hơn so với những tiểu bang vẫn còn giữ án tử hình. Hơn nữa, tỷ số này đã giảm đi từ khi Canada huỷ bỏ án tử hình.

Bãi bỏ hoàn toàn án tử hình là trào lưu của thế giới bất luận hệ thống tư pháp, truyền thống, tục lệ và tôn giáo. Người Phật tử không giết hại. Đa số các tôn giáo khác cũng đã kêu gọi bãi bỏ án ghê tởm đó. Đạo Do Thái bãi bỏ từ năm 30 sau công nguyên, hầu hết các giáo hội Tin Lành kêu gọi bãi bỏ từ đầu thế kỷ XX và giáo hội Ki Tô kể từ hội nghị giám mục Vatican II (năm 1969 Nhà nước Vatican bãi bỏ án tử hình cho tất cả các tội danh). Năm 1980, Hội nghị Hồi giáo Thế giới và Liên hiệp các Luật gia Ả rập kêu gọi bãi bỏ án này. Năm 2002, Tòa án Hình sự Quốc tế tuyên bố sẽ không tuyên án tử hình kể cả cho những tội ghê tởm nhất như là tội chống lại nhân loại, tội diệt chủng, tội ác chiến tranh. Ngày 18 tháng chạp 2007, Đại hội Liên Hiệp Quốc thông qua nghị quyết 62/1494 kêu gọi ngưng hành quyết tội phạm trên thế giới. Hơn 150 nước đã bãi bỏ hay không thực thi án này nữa. Năm 2012, trong số 193 thành viên Liên hiệp quốc thì có 173 nước đã không hành quyết ai.

Tử hình không phải là tư pháp hình sự. Nó là sự thất bại của ngành tư pháp. Nó không hữu hiệu chống phạm pháp. Nó không cho phép chữa lại nếu tòa tuyên án sau này thấy rằng đã xử sai. Nó không thể và không phải đơn thuần là một công cụ của ngành tư pháp. Nó là một vi phạm đến quyền cơ bản của con người ghi ở điều 3 và 5 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền. Nó là một hành động ngược với giáo lý của nhân loại. “Tước đời sống của một người là một quy trình quá triệt để, quá bất nghịch để một con người có thể bắt một con người khác phải chịu kể cả khi đã xuyên qua một trình tự tư pháp” (Ban Ki–moon, Tổng thư ký Liên hiệp quốc).

Chúng ta đang đăng cai vào Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Đã đến lúc chúng ta bãi bỏ án tử hình để thích nghi với Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền và gia nhập cộng đồng các quốc gia văn minh.


Đặng Đình Cung

Chú thích :

Trong số các trí thức Pháp biện luận chống lại án tử hình, chúng tôi xin giới thiệu nhà văn Victor Hugo, nhà văn Albert Camus và luật sư Robert Badinter. Đặc biệt bài “Le dernier jour d’un condamné” của Victor Hugo đã làm mềm lòng những người sắt đá nhất.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét