Có thể nói, không một quốc gia nào trên thế giới có một “nền văn minh xe máy” độc nhất vô nhị như Việt Nam.
Nói như vậy cũng không hề ngoa ngôn. Sự thật là xe máy đã tác động xấu đến toàn bộ nền kinh tế, văn hóa, quy hoạch đô thị, thói quen, đạo đức, cách sống của người dân Việt Nam chứ không chỉ là vấn đề về an toàn giao thông.
Xe máy, đối với nhiều quốc gia, được coi là một phương tiện giao thông nguy hiểm, không khuyến khích sử dụng, thậm chí bị cấm ở nhiều thành phố. Với vận tốc có thể bằng ô tô, nhưng sự an toàn lại chỉ như xe đạp, nó thực sự là một hung thần trên đường.
Tai nạn hàng ngày hàng giờ xảy ra trên khắp các nẻo đường Việt Nam đã chứng minh điều đó.
Không thể phủ nhận, xe máy, nếu xét trên góc độ tiện dụng, cơ động, linh hoạt, thì sẽ là phương tiện giao thông tuyệt vời không có đối thủ cạnh tranh. Nhưng hãy cùng nhau phân tích trên nhiều khía cạnh khác.
Quy hoạch và xe máy
Chính phủ dường như bế tắc trong việc quy hoạch đô thị. Hiện nay hạ tầng kiến trúc lôm côm, nhà ống mọc lên như nấm không có cách gì khống chế. Những ngõ sâu hun hút ngoằn ngoèo chen chúc với những chợ tạm, chợ cóc chật chội bẩn thỉu. Hàng quán thi nhau đua nở lấn chiếm lòng lề đường.
Nét đẹp đô thị của những con phố sạch sẽ phong quang với những hàng xe hơi, xe bus trật tự nối đuôi nhau là một viễn cảnh xa vời đối với các đô thị Việt Nam.
Vì sao vậy? Nguyên nhân đến từ xe máy. Chỉ xe máy mới có thể luồn lách đến mọi ngóc ngách, dẫn đến việc khuyến khích người dân làm nhà trong ngõ mà không cần tuân thủ quy hoạch theo tiêu chuẩn chung.
Thậm chí có những ngõ nhỏ tới nỗi chỉ đảm bảo cho một chiều lưu thông vẫn tồn tại như một minh chứng cho sự tiện lợi không gì thay thế được của xe máy.
Chỉ có xe máy mới có thể tùy tiện tấp vào lề đường để chủ nhân vẫn ngồi trên yên, một chân chống xuống đất, thoải mái mặc cả mớ rau, con cá cho kịp bữa cơm chiều, tạo điều kiện cho sự tồn tại của chợ tự phát, mặc cho cơ quan chức năng ra sức dẹp hàng ngày.
Chỉ có xe máy mới dễ dàng dựng la liệt ngay trên vỉa hè để mua bán trao đổi hàng hóa, chiếm hết chỗ dành cho người đi bộ. Và như vậy, xe máy trở thành rào cản cho quy hoạch đô thị hiện đại ở Việt Nam.
Phải đi xe máy trong những sáng mùa đông lạnh cắt da thịt, hoặc trong những cơn mưa trút nước tầm tã, hay những trưa hè nóng đổ mồ hôi, giữa biển xe máy san sát chen vai thích cánh, khói độc tỏa mịt mù, âm thanh đinh tai nhức óc, mới thấy hết sự khổ sở mà ai cũng phải chịu đựng.
Điều đó tác động dần dần làm cho con người mất đi sự thông cảm lẫn nhau.
Trên đường, những gương mặt hồ hởi tươi sáng hiếm dần, thay vào đó là sự cau có, bẳn gắt. Chỉ cần va quệt nhẹ là sẵn sàng lao vào sống mái. Không thiếu những vụ ẩu đả, thậm chí giết người xuất phát từ những nguyên nhân rất nhỏ mà báo chí đăng tải hàng ngày.
Khi ngồi trên xe máy, những người đàn ông không thể lịch lãm trong bộ complet, phụ nữ khó mà váy đầm dịu dàng thanh lịch. Mặc đẹp làm gì khi mà đằng nào cũng phải chùm bên ngoài chiếc áo chống nắng dài tới gót chân?
Mái tóc uốn bồng bềnh mà làm gì khi phải đội lên đầu những “nồi cơm điện” nặng nề cục mịch?
Điều này tưởng không quan trọng, nhưng lại liên quan khá nhiều đến văn hóa ứng xử.
Thật dễ hiểu. Nếu mọi người ai cũng ăn mặc đàng hoàng lịch sự thì đối xử với nhau hẳn sẽ lịch sự đàng hoàng hơn.
Thói quen và lối sống
Điều đáng lo ngại nhất là tư duy xe máy đã ăn sâu vào tâm lý của người Việt. Phần lớn người dân không thể hình dung họ sẽ sinh hoạt như thế nào nếu thiếu xe máy. Một sự lệ thuộc hoàn toàn.
Thậm chí chỉ cách 100m họ đã phải cần đến xe máy. Việc vào siêu thị mua thực phẩm sạch trở thành vô lí khi mà chỉ cần ngồi lên xe máy, phóng vèo ra chợ cóc đầu đường là có thể mua bất kỳ loại thực phẩm gì.
Thực phẩm chợ cóc thì không hề tuân thủ an toàn vệ sinh. Và hậu quả về ăn uống mất vệ sinh thì không nói ai cũng biết.
Cũng chính vì sự tiện lợi nhãn tiền của xe máy mà mọi người mất dần thói quen đi bộ. Không có cảnh đoàn người sải bước trên vỉa hè với tác phong công nghiệp hiện đại như ở các quốc gia khác. Vì thật “đáng tiếc” là ở Việt Nam xe máy có thể phóng vào tận cổng cơ quan.
Cũng không ở đâu có nghịch lý như Việt Nam khi coi chiếc xe máy không chỉ đơn thuần là phương tiện giao thông, mà trở thành của để dành, thậm chí là căn cứ để phân biệt đẳng cấp xã hội. Từ đó đẩy tới một nghịch lý tiếp theo là giá một chiếc xe máy, @, SH chẳng hạn, có thể đắt gần bằng một chiếc xe hơi loại trung bình tại các nước trong khu vực.
Việc thả nổi cho thị trường xe máy cũng đồng thời khiến cho nền công nghiệp ô tô không thể phát triển. Dẫn đến một nghịch lý khó có thể chấp nhận được nữa là, giá thành ô tô gần như đắt nhất thế giới tại một quốc gia nghèo.
Theo thống kê, mỗi năm Việt Nam có khoảng 15.000 người chết vì tai nạn giao thông. Trong đó liên quan đến xe máy là nguyên nhân hàng đầu.
Chỉ có xe máy mới dễ dàng bỏ qua đèn đỏ, luồn lách, vượt làn, phóng nhanh, vượt ẩu… Điều tệ hại là, sự vi phạm giao thông công cộng của xe máy diễn ra quá thường xuyên, lâu ngày thói xấu thành quen thuộc đối với tất cả mọi người.
Như vậy, xe máy vô hình chung, góp phần đẩy nhanh sự xuống cấp về ý thức an toàn giao thông vốn đã quá kém của người dân Việt Nam.
Nạn giật đồ giữa ban ngày thật nhức nhối, kinh hoàng cho mọi người, nhất là phụ nữ. Chính xe máy đã đẻ ra những kẻ côn đồ cướp giật manh động đó, bởi nó là phương tiện gây án hữu dụng.
Bất kỳ sử dụng phương tiện nào khác đều không khả thi để giật đồ. Cũng có thể nói không ngoa là, nạn trộm chó cũng nhờ sự tiện lợi của xe máy mà có thể lộng hành, thay vì hoạt động nhỏ lẻ như trước.
Phóng xe ngược chiều
Giờ đây khi đã hình thành “nền văn minh xe máy”, nếu ai đó nêu ra ý tưởng “Cấm xe máy”, lập tức mọi người sẽ nhìn anh ta lạ lùng như người sao Hỏa.
Câu hỏi sẽ bật ngược lại: “Cấm xe máy thì đi bằng gì?”. Rồi viện lý do muôn thuở “nước ta còn nghèo, người dân lấy đâu ra tiền mua xe hơi”, “nhà nước chưa thể đủ tiền phát triển hệ thống giao thông công cộng để đáp ứng người dân”…
Vậy hãy nhìn sang các nước láng giềng gần nhất như Campuchia, Lào, Miến Điện…và tiêu biểu là thủ đô Yangon của Miến Điện.
Không giàu hơn chúng ta, dân trí cũng không hơn, nhưng họ đã thực hiện thành công giải pháp cấm xe máy để có được đô thị yên lành, sạch sẽ và an toàn.
Rõ ràng xe máy làm kìm hãm sự phát triển xã hội về mọi mặt. Và Việt Nam sẽ đi ngược lại với xu hướng chung của thế giới nếu còn duy trì “nền văn minh xe máy” như thế này.
Trường Giang (Xe máy VN 'lao ngược chiều thế giới')
VN và nền văn hóa nhà mặt tiền
Nguyễn Văn Đặng
Nếu như ai đó nhận định xe máy cản trở quy hoạch đô thị thì ngược lại, chính tính ưu việt nhà mặt tiền tạo điều kiện thuận lợi cho nhu cầu thiết thực của người sử dụng xe máy dẫn đến phát triển “nền văn hóa xe máy”.
Khác với các quốc gia đang phát triển, tại Việt nam, hầu hết các nhà mặt tiền đều có giá rất cao. Sở dĩ như vậy vì nhà mặt tiền tận dụng, khai thác tối đa cho việc kinh doanh. Từ mua bán lẻ tất cả các mặt hàng “thượng vàng hạ cám”,các dịch vụ ăn uống, văn phòng công ty, trường học,… Điều này đã tạo thành nếp sống “văn hóa nhà mặt tiền”.
Việc dàn trải kinh doanh trên phục vụ đa số cho các nhu cầu cấp thiết sinh hoạt hàng ngày của người dân, từ thôn quê, vùng ven vào thành phố, từ thành phố nhỏ đến thành phố lớn và những người có nhu cầu trong khu vực.
Thực tế người ta mua sắm theo yêu cầu hàng ngày không thể đi bộ một vài cây số, không thể đi phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, mà chỉ có văn minh xe máy mới đáp ứng hữu hiệu và thuận tiện. Kéo theo hình thành những vỉa hè làm nơi để xe máy, tiện lợi cho việc mua sắm nhưng lại cản trở giao thông, người đi lại.
Thực tế tồn tại là trụ sở các cơ quan từ trung ương đến địa phương cũng bố trí rải rác, manh mún ở mặt tiền các tuyến đường trong thành phố. Các phương tiện giao thông công cộng không đáp ứng được yêu cầu đi lại hàng ngày thì việc sử dụng xe máy là nhu cầu tất yếu.
Chưa kể các trường học từ tiểu học, phổ thông đến cao đẳng, đại học cũng chiếm mặt tiền trong thành phố. Việc chở con đi học trong một vài cây số nếu không sử dụng xe máy thì dùng phương tiện gì cho phù hợp. Giờ tan học là ác mộng của tất cả các phương tiện giao thông đi qua khu vực này.
"Văn minh mặt tiền"
Nguyên nhân sâu xa dẫn đến nạn kẹt xe, văn hóa mặt tiền góp phần không nhỏ.
Khẳng định rằng, nếu quy hoạch đô thị tập trung, hợp lý cho các đối tượng trên, khai thác chiều cao, bỏ văn hóa mặt tiền, tăng cường phương tiện giao thông công cộng và lộ trình các phương tiện này đáp ứng di chuyển hợp lý, cũng như hình thành tập trung các khu vực buôn bán lẻ, áp dụng và nhân rộng mô hình tương tự cửa hàng tạp hóa 7 Eleven cho các khu vực dân cư thì sẽ không có các vấn nạn trên.
Cần thực hiện một cách đồng bộ và quyết tâm thì lượng xe máy tham gia giao thông trong thành phố sẽ giảm rõ rệt, giảm ách tắc giao thông, phát huy dịch vụ giao thông công cộng, tạo thói quen mới cho người dân đi bộ khoảng cách gần.
Sự thay đổi này là khả thi, không tốn nhiếu thời gian, xuất hiện thêm nhiều quỹ đất phục vụ dân sinh, môi trường.
Nhất là tạo năng lực thông hành cao, giảm kẹt xe, làm tiền đề cho việc loại dần “nền văn minh xe máy, văn minh mặt tiền”.
Nhưng ở Việt nam hiện tại, có thể chẳng ai ủng hộ việc này. Quan chức có địa vị cao trong xã hội họ cũng mang nặng tư tưởng mặt tiền, tậu vài nhà mặt tiền và muốn giữ bầu trời riêng cho cơ quan mình giữa trung tâm thành phố.
Chính "Nền văn hóa nhà mặt tiền" của Việt nam đã tạo ra nền “văn minh xe máy” và cản trở sự phát triển của cộng đồng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét